Latest topics
Most Viewed Topics
Most active topics
Top posters
Paul_GiaGia (435) | ||||
tim love (293) | ||||
thanglocthuy (223) | ||||
hivong92 (200) | ||||
admin (172) | ||||
thị nở của Chúa (170) | ||||
toilatoi (152) | ||||
quocthuan_lt_92 (139) | ||||
annaloan218 (133) | ||||
Đứa con ngoại giáo (128) |
Tìm kiếm
Thống Kê
Hiện có 2 người đang truy cập Diễn Đàn, gồm: 0 Thành viên, 0 Thành viên ẩn danh và 2 Khách viếng thăm Không
Số người truy cập cùng lúc nhiều nhất là 65 người, vào ngày 4/11/2024, 4:09 am
5 Phút mỗi ngày cho Lời Chúa Tháng 4.
Trang 1 trong tổng số 1 trang
5 Phút mỗi ngày cho Lời Chúa Tháng 4.
01/04/12 chúa nhật lễ lá
tưởng niệm cuộc thương khó của chúa Mc 14,1-15,47
thánh thể điểm hẹn tình yêu
“Thầy nhắn: ‘Căn phòng của tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu’?” (Mc 14,14)
Suy niệm: Chính vào ngày giết chiên vượt qua, Giêrusalem sôi sục bầu khí thù hận, các nhà lãnh đạo Do Thái đang tìm giết Chúa Giêsu. Trong bối cảnh đó, Chúa vẫn chuẩn bị thật chu đáo và kín cạnh. “Một người mang vò nước,” đó là ám hiệu; còn mật khẩu là “căn phòng ăn lễ Vượt Qua của Thầy.” Một căn phòng nhỏ, trên lầu đã được chuẩn bị: vừa kín đáo, vừa ấm cúng, phù hợp cho cuộc gặp gỡ quan trọng này. Ngài cần một điểm hẹn không chỉ để ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ lần cuối, mà chính là để bộc lộ trọn tình yêu của Ngài cho những người Ngài yêu mến, qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể, phương thế để hiến thân trọn vẹn cho họ, để ở lại với họ “mọi ngày cho đến tận thế.” Từ nay bất cứ ở đâu diễn ra bí tích Thánh Thể nơi đó đều trở thành điểm hẹn của Tình Yêu.
Mời Bạn: Chúa Giêsu đã sắp xếp tất cả để yêu bạn ngay trước “mũi” những kẻ đang tìm giết Ngài. Còn bạn, bạn đã làm tất cả để đến điểm hẹn là Thánh lễ, là Nhà Tạm, nơi có Thánh Thể, và nhất là điểm hẹn trong căn phòng tâm hồn bạn để gặp gỡ Đấng là Tình Yêu của bạn chưa? Việc Ngài hiến thân trên thập giá và hoá thân trong Thánh Thể cũng chỉ là một hành động để yêu bạn đến cùng. Bạn có sẵn sàng sống như Chân phước Anrê Phú Yên “lấy tình yêu đáp lại tình yêu, lấy mạng sống đáp lại mạng sống” cho Ngài chưa?
Sống Lời Chúa: Siêng năng rước lễ và chầu Thánh Thể để đáp lại tình yêu Chúa cách sâu đậm nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng về Chúa tất cả tấm thân và cuộc sống của con.
02/04/12 thứ hai tuần thánh
Ga 12,1-11
cho người nghèo giêsu
Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12,4-5)
Suy niệm: Xét theo lý, thì Giuđa Itcariốt thật là… có lý. Và ngược lại người ta có thể trách móc cô Maria về tội hoang phí vì dùng cả một cân dầu cam tùng trị giá ba trăm quan tiền chỉ để xức chân Chúa Giêsu, trong khi vẫn còn đó biết bao người nghèo khó thiếu thốn! Thực tế cho thấy những lời lẽ tốt đẹp của Giuđa trái ngược với những gì lòng anh ta mưu tính: chỉ ít ngày sau đó, anh đã bán đứng Thầy mình với giá có ba mươi đồng bạc! Trái lại, Chúa Giêsu đúng là người nghèo đích thực, bởi vì Ngài vốn giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta để nhờ đó chúng ta được trở nên giàu có (x. 2Cr 8,9). Hành động của Maria dù có quảng đại cũng không thể đáp đền cân xứng với “người nghèo Giêsu”. Chúng ta còn phải tiếp tục chia sẻ với những “người nghèo quanh ta” cũng một cách quảng đại như vậy vì nhìn thấy “người nghèo Giêsu” hiện diện nơi họ.
Mời Bạn: Lắm khi chúng ta cũng vô tình cư xử theo kiểu Giuđa, đó là khi chúng ta dùng nhiều lý lẽ rất “có lý” để “cò kè bớt một thêm hai” trong việc thờ phượng Thiên Chúa; khi nhân danh việc từ thiện bác ái để mưu tính lợi lộc danh dự; hoặc một mặt làm phúc bố thí nhưng mặt khác, trong cung cách làm ăn, lại chèn ép, loại trừ người nghèo hèn, yếu thế. Mời bạn kiểm điểm chính mình cách sâu xa để kịp thời nhận ra và loại bỏ những động lực lệch lạc ấy.
Sống Lời Chúa: Quảng đại dành thời gian cầu nguyện với Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con luôn biết quảng đại với Chúa để con có thể quảng đại với tha nhân.
03/04/12 thứ ba tuần thánh
Ga 13,21-33.36-38
người phản bội
“Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy.” (Ga 13,21)
Suy niệm: Sự phản bội bao giờ cũng đáng ghét. Người càng được yêu mà lại quay lưng phản bội chính người yêu mình thì sự phản bội càng tồi tệ, nhất nữa là lợi dụng chính sự tín nhiệm mình có qua tình yêu đó để phản bội. Và còn điều gì phũ phàng hơn khi người bị phản bội lại biết rõ những toan tính của y. Lời Chúa tiết lộ người phản bội ngay trong bữa Tiệc Ly chẳng khác nào tiếng sét đánh ngang tai. Đáng lẽ ra kẻ phản bội phải tỉnh ngộ, hay ít ra cũng đề cao cảnh giác vì thấy âm mưu của mình đã bị bại lộ. Thế nhưng Giu-đa đã quá cứng lòng. Lòng ham mê tiền bạc đã làm anh ra mù quáng. Anh nhắm mắt ăn tấm bánh chính tay Chúa trao, rồi ra đi, ra đi trong đêm tối.
Mời Bạn: Mỗi lần phạm tội, là một lần bạn bỏ Chúa mà đi. Bạn thử nhớ lại những lần đó, bạn có nghe tiếng Chúa trong lương tâm cảnh báo, ngăn cản, khuyên lơn bạn dừng lại đừng bước vào hố thẳm của tội lỗi? Điều gì đã khiến bạn không thể dừng lại? Lòng tham? Đam mê dục vọng? Tự ái? Càng từ chối làm theo tiếng nói của lương tâm, người ta càng khó nghe được tiếng nói đó, cho đến một ngày nào đó, lương tâm sẽ trở nên “cứng cỏi” giống như Giu-đa.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình, xét mình hằng ngày sẽ giúp bạn nhạy bén trước tiếng nói của lương tâm và mau chóng phát hiện những lỗi lầm trước khi mọi sự trở thành quá muộn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con nhìn nhận mình yếu đuối hay phản bội ân tình Chúa. Xin Chúa gìn giữ con khỏi trở nên cứng lòng, để con biết lắng lời gọi yêu thương của Chúa, mà hối cải ăn năn trở về với Chúa. Amen.
04/04/12 thứ TƯ TUẦN THÁNH
Mt 26,14-25
Cần cúi mình đấm ngực
Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó.” (Mt 26,25)
Suy niệm: Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét xã hội Việt Nam hôm nay như sau: “Căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối.” (“Cần một cuộc tự vấn,” Tuổi Trẻ số 1-2012, ngày 01/01/ 2012: 12). Sự giả dối tràn lan khiến nhiều người tự hỏi, sống chân thật để làm gì? Căn bệnh giả dối này từng gây cho Giu-đa mất khả năng nhìn nhận sự thật hoặc chỉ dám nhìn một nửa sự thật. Ông đã dám đối diện với Chúa để hỏi Chúa về chính mình như các môn đệ khác, nhưng ông lại không dám nhìn “mưu tính bán Chúa” bên trong mình. Sự giả dối nơi ông tinh vi đến độ, ngoại trừ Chúa Giê-su, không một ai trong các môn đệ biết những toan tính hạ cấp đó của ông, bởi sự gần gũi trong cử chỉ và lời nói của ông với Thầy Giê-su vẫn không khác gì với các môn đệ khác.
Mời Bạn: Sống chân thật không chỉ nhìn về Chúa, mà còn nhìn vào chính bản thân khi đối diện với Chúa và đón nhận ơn hoán cải. Có quá nhiều lần chúng ta nhìn lên Chúa, ca tụng Chúa, cầu nguyện với Chúa; nhưng lại quá ít lần chúng mình nhìn nhận sự thật đang nhầy nhụa nơi bản thân để sám hối, trở về với Chúa. Thi sĩ Péguy từng nói: người ta đã thấy ân sủng xuyên qua một tâm hồn đồi bại và đã thấy cái bị hư mất nay được cứu thoát. Nhưng khó mà xuyên qua cái “không thẩm thấu” được.
Chia sẻ: Những giả dối trong đời sống xã hội phát xuất từ đâu?
Sống Lời Chúa: Hãy sám hối, vì tội ta phạm đang đóng đinh Chúa lần nữa.
Cầu nguyện: Hát: “Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình, con đớn đau nhìn vũ trụ tự hối…”
05/04/12 thứ năm tuần thánh
Ga 13,1-15
noi gương đức kitô phục vụ
“Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14)
Suy niệm: Trong thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh có một nghi thức độc đáo mà chỉ hôm nay mới có: Sau bài giảng là nghi thức diễn lại việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly. Dù chỉ là nghi thức mang tính minh hoạ nhưng những người được chọn trong vai các tông đồ cũng cảm thấy được đánh động sâu xa vì bài học đầy ấn tượng này khi chính vị chủ tế quì xuống rửa chân cho mình. Chỉ là nghi thức mà đã thế, huống chi là các tông đồ hẳn đã ngỡ ngàng biết bao khi Chúa Giêsu làm thật như vậy! Bài học khiêm nhường phục vụ mà Chúa Giêsu dạy qua việc rửa chân quá rõ ràng không thể nào nhầm lẫn. Mẫu gương sống động như thế, lẽ nào các môn đệ không làm theo như chính Ngài đã căn dặn: “Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”?
Mời Bạn: Khi tham dự và suy niệm cử hành của ngày hôm nay, chúng ta được mời gọi sống như Chúa Giêsu đã sống và nêu gương cho chúng ta. Với Chúa Kitô, yêu thương đồng nghĩa với hiến thân phục vụ anh chị em mình cách khiêm tốn. Bạn đã làm gì để biến bài học yêu thương này trở thành những việc phục vụ cụ thể, trước tiên cho những người thân trong gia đình mình, và tiếp đến cho những người thân cận mà mình tiếp xúc mỗi ngày?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc phục vụ và làm lễ vật dâng Chúa khi tham dự thánh lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, cho con luôn sẵn lòng phục vụ tha nhân trong tinh thần vui tươi và khiêm tốn.
06/04/12 thứ sáu tuần thánh
Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Ga 18,1-19,42
yêu cho đến cùng
“Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống mà trao Thần Khí. (Ga 19,30)
Suy niệm: Đây là giờ Chúa phải nói lời từ biệt với những người thân thương nhất của Chúa – Mẹ Maria và Gioan – Chúa đã ban tặng hai người cho nhau. Còn Chúa, Chúa ở đây một mình để hiến thân làm của lễ dâng Cha và để cho lửa của Thần Khí thiêu đốt. Từ nay, trời và đất đã giao hòa; giao ước mới đã ký kết, được niêm ấn bằng máu của Đấng chịu đóng đinh. Chúa kêu lên một tiếng cuối cùng: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa, sao người bỏ con?” Nhưng ngay giây phút tuyệt đỉnh này, Chúa Cha vẫn ở đấy, Người hiện diện.
Chúa gục đầu xuống và thiếp đi trong tay Người. Lúc Chúa đi vào cõi chết, thì đấy cũng là lúc, đấy cũng là giờ mà Chúa thức dậy cạnh Cha. (Đức Hồng Y Godfried).
Mời Bạn ý thức cái chết của Chúa Giêsu không phải chỉ liên quan đến một người, hay một dân tộc nhưng mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm trước cái chết của Chúa. Thật vậy, chúng ta đừng ngồi đó nguyền rủa xã hội sa đọa, thế giới hỗn loạn, mà phải đấm ngực chính tội lỗi chúng ta đã đóng đinh Chúa hằng ngày.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy kín múc dòng ân sủng MÁU và NƯỚC chảy ra từ cạnh sườn Chúa. Đó là các bí tích Hòa Giải, Thánh Thể,... cách xứng đáng và sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cái chết của Chúa không phải là “một kết thúc” nhưng là “một hoàn tất”. Chúa đã chu toàn sứ mệnh Chúa Cha trao phó cách tuyệt hảo. Xin cho chúng con cũng biết chu toàn bổn phận của người Kitô hữu, dám hy sinh và hành động theo những đòi hỏi của Chúa cho dù phải đi vào con đường Thập Giá. Amen.
07/04/12 thứ bảy tuần thánh
Canh thức Vượt Qua Mc 16,1-8
tiếp nhận đời sống mới
“Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa.”(Mc 16,6)
Suy niệm: Sau ba tháng tập luyện ở trường bơi Bolles danh tiếng ở Florida (Mỹ) chuẩn bị cho thế vận hội sắp tới, đội tuyển bơi lội Việt Nam nay phải rời trường đi lang thang và thầy trò ta tập tành với nhau trong các hồ bơi hạng xoàng tại xứ người. Kinh phí tập huấn hàng tỉ đồng đem đổ biển cũng vì các huấn luyện viên nội cứ đeo bám học trò cũ của mình và can thiệp sâu vào chuyên môn của chuyên gia nước ngoài. Ta chưa học được bài từ bỏ nên phải “trả giá cho sự lạc hậu”! (x. Tuổi Trẻ 19.3.2012, tr. 14).
Khi ngôi mộ đã an táng Chúa Giêsu trở thành ngôi mộ trống cũng là lúc các môn đệ Chúa Giêsu phải làm trống rỗng tâm hồn mình để tiếp nhận và sống với sự kiện Chúa đã sống lại. Nếu họ cứ cố thủ với những ý nghĩ về Chúa của họ trước đây, họ sẽ trở thành người lạc hậu và mầu nhiệm phục sinh không còn ý nghĩa gì với họ.
Mời Bạn: Chúa phục sinh muốn chiếm hữu trọn vẹn con người bất toàn tội lỗi, lo sợ của ta để biến đổi nên những con người mới. Ngài muốn ban cho ta ánh sáng chân lý, niềm hạnh phúc và tự do trong Thánh Thần. Chúng ta có sẵn sàng để từ bỏ con người cũ, ích kỷ nhỏ nhen để mặc lấy người mới không?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi làm một vài hy sinh trong lời nói, trong việc ăn uống… để sống tinh thần con người mới.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin phó dâng trọn thân con cho Chúa. Con muốn lắng nghe lời Chúa để tiếp nhận sự khôn ngoan của Chúa. Xin Chúa đổ vào tim con tràn đầy tình yêu Chúa để từng ngày con được biến đổi nên giống Chúa và luôn bước đi trong đường lối của Ngài. Amen.
08/04/12 chúa nhật phục sinh
Ga 20,1-9
tình yêu biến đổi
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (Ga 20,1)
Suy niệm: Bà Maria Mácđala chỉ chờ vừa hết ngày Sabát, mới sáng sớm, “lúc trời còn tối” là đã tất tả đi mua dầu thơm, chạy ra mộ để “ướp xác Chúa” (Mc 16,1). Thế mà, thật bàng hoàng, ngôi mộ trống hoang, xác Thầy đã biến đâu mất. Bà chỉ còn biết khóc. Chỉ có động lực tình yêu mãnh liệt mới lý giải được những việc làm và tâm trạng của bà Maria trong lúc này. Tình yêu Chúa đã giật bà ra khỏi bàn tay của “bảy quỉ” (Lc 8,2) và biến đổi bà khiến bà từ đấy chỉ sống vì tình yêu: vì yêu, bà đã đi theo Thầy Giêsu trong suốt con đường khổ nạn cách kiên trung đến tận dưới chân thập giá; và cũng nhờ tình yêu đó, bà đã được Chúa cho gặp Ngài ngay trong những giờ phút đầu tiên Ngài sống lại, và là người đầu tiên được Chúa sai đi loan tin mừng Ngài đã phục sinh.
Mời Bạn: Người môn đệ đích thực của Chúa Kitô là người gắn bó với Ngài bằng một tình yêu nồng nàn và nhờ đó xác tín chắc chắn rằng Ngài “đã chịu chết nhưng nay Ngài đang sống” (x. Cv 2,32; 25,19) như thế mới có đủ tư cách để làm chứng cho người khác rằng: “Tôi đã thấy Chúa.” Mời bạn tự vấn: Tôi cần làm gì để được Chúa biến đổi, trở nên người môn đệ đích thực của Ngài?
Chia sẻ: Bạn có thói quen hay cung cách sống sống nào làm lời chứng về Chúa Kitô Phục Sinh bị lu mờ không?
Sống Lời Chúa: Mạnh dạn sống theo những giá trị của Tin Mừng Làm chứng niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh.
Cầu nguyện: Xin Ánh sáng Phục Sinh của Chúa bao phủ cuộc đời con và chiếu soi vào những chỗ tăm tối trong tâm hồn, để con được biến đổi mỗi ngày.
09/04/12 thứ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS
Mt 28,8-15
NHỎ MÀ KHÔNG NHỎ
“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
Suy niệm: Đức Kitô Phục Sinh –một Tin Mừng trọng đại, thế mà chỉ được loan báo cho một nhóm nhỏ các phụ nữ. Cũng vậy, Đấng Cứu Thế sinh ra, một Niềm Vui cho toàn dân, vậy mà tin vui ấy chỉ được loan báo cho một nhóm nhỏ các mục đồng (x. Lc 2,8-14). ‘Nhóm nhỏ’ –Thánh Kinh gọi là ‘người nghèo của Thiên Chúa’ (anawim)– đó là cách hành động của Thiên Chúa. Quả thật Ngài thích thực hiện những công trình vĩ đại bắt đầu từ những gì bé nhỏ, nghèo hèn. Nước Trời như hạt cải bé nhỏ nhưng mọc lên thành cây lớn, chim trời có thể nương náu. Đức Kitô cũng đã sinh ra làm người nghèo khó và chọn con đường thập giá để cứu độ nhân loại. Đó là niềm xác tín mà thánh Phaolô chia sẻ: “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1,27).
Mời Bạn: Bạn có sợ không, khi thấy sứ mạng loan báo Tin Mừng thì cao cả, thế giới thì bao la mà mình thì quá bé nhỏ, yếu đuối? Sứ mạng cao cả đâu có phải vì bạn nhưng vì chính Đấng mà bạn được gọi để loan báo. Chúa trấn an các phụ nữ: “Chị em đừng sợ!” Bạn cũng thế, đừng sợ nhưng hãy vững tin và làm chứng với niềm xác tín của mình.
Chia sẻ: Điều gì giúp bạn xác tín rằng Chúa Kitô thực sự đã phục sinh?
Sống Lời Chúa: Trung thành suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để luôn xác tín vào Chúa Kitô Phục Sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa hành động trên nhóm nhỏ, nhưng sứ mạng của họ không hề nhỏ, vì họ phải đem Tin Mừng đến với toàn dân và mang ơn cứu độ đến tận cùng thế giới. Xin chọn con vào nhóm nhỏ của Chúa.
10/04/12 thứ ba tuần bát nhật ps
Ga 20,11-18
cha của thầy cũng là cha của anh em
“Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.” (Ga 20,17)
Suy niệm: Thập giá và cái chết của Chúa Giêsu không phải là một sự mất mát trong tuyệt vọng. Ngay khi chỗi dậy và ra khỏi mồ, thân xác phục sinh của Ngài không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa, ngay lập tức Ngài đã loan báo cho chúng ta tin vui mừng là “Ngài lên cùng Cha của Ngài.” Tin đó không chỉ vui cho riêng Ngài mà còn cho mỗi một người chúng ta, vì từ nay qua Ngài chúng ta được qui tụ trong Ngài bằng một mối tương quan mới: “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em.” Tin vui này đồng nghĩa với một niềm hy vọng không thế lực nào dập tắt được rằng chúng ta Chúa Giêsu Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, và một ngày kia chúng ta cũng được về đoàn tụ với Ngài.
Mời Bạn: Sống ở trần gian này là chúng ta đang hành trình trở về xum họp trong nhà Cha trên trời. Cuộc hành trình này tất yếu phải đi xuyên qua chông gai và thập giá. Chúa Giêsu, người Anh Cả của chúng ta đã đi qua con đường đó; tất nhiên một khi chúng ta muốn đi theo Ngài, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường mà Ngài đã đi qua.
Sống Lời Chúa: Tập đón nhận chông gai thập giá bằng cách nung nấu niềm hy vọng vào sự phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là đường dẫn chúng con về nhà Cha. Xin giúp chúng con vững niềm tin vào Chúa phục sinh, để chúng con vui tươi và dũng cảm vác thập giá hằng ngày để xứng đáng tới ngày được hợp hoan với Chúa.
11/04/12 thứ tư tuần bát nhật ps
Lc 24,13-35
điều chắc chắn hơn
“Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.” (Lc 24,31)
Suy niệm: Đối với hai môn đệ Emmau, việc Chúa chịu đóng đinh, chịu chết và được an táng, đó mới là chuyện chắc chắn mà mắt họ chứng kiến. Còn việc xác Ngài biến mất khỏi mồ rồi dựa vào đó mà truyền tai nhau rằng Chúa đã sống lại chẳng qua chỉ là tin đồn mà thôi. Giữa cái chắc chắn và tin đồn, hai môn đệ đã chọn cái họ cho là chắc chắn, một cái chắc chắn đưa họ đến thất vọng và trở về quê cũ. Chúa Kitô đã hiện đến đồng hành và chia sẻ nỗi lòng với họ, đã dùng lời Kinh Thánh soi sáng và nhất là dùng dấu chứng của Thánh Thể để kéo họ ra khỏi vũng lầy thất vọng. Mắt họ mở ra và họ nhận ra Chúa Phục Sinh, đó là điều chắc chắn hơn và họ nhanh nhẹn quay trở lại Giêrusalem hô to Tin Mừng Phục Sinh.
Mời Bạn: Có những cảnh sống mà ngày mai chỉ thấy tăm tối; có những gia đình mà nhìn quanh chỉ có đổ vỡ thay cho yêu thương; có những cuộc đời bị trói buộc trong bệnh hoạn tật nguyền; những điều đó đeo đẳng quay quắt trong cuộc sống hằng ngày khiến bạn tưởng rằng điều chắc chắn bạn phải đối đầu là những ngõ cụt của bất ổn, bất hoà, bất hạnh. Bạn hãy nhớ rằng có một điều chắc chắn hơn, đó là Đức Kitô đã phục sinh đem lại cho bạn niềm hy vọng cuộc sống hạnh phúc bất diệt.
Sống Lời Chúa: Kết hiệp với Chúa qua việc suy niệm Lời Chúa và rước Thánh Thể là bạn chọn lựa điều chắc chắn nhất; bạn sẽ không bao giờ thất vọng.
Cầu nguyện: Chúa vẫn hiện diện với chúng con trong bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con biết đến đồng bàn với Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể, để ngày sau chúng con cũng được đồng bàn với Ngài trong nhà Cha muôn đời. Amen.
12/04/12 thứ năm tuần bát nhật ps
Lc 24,35-48
bình an cho anh em
Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo : ‘Bình an cho anh em!’... Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này.” (Lc 24, 36.47-48)
Suy niệm: Lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh gửi tới các môn đệ là lời : “Bình an cho anh em!” Các môn đệ đang trải qua cơn khủng hoảng. Vì thế, lúc này là lúc các ông rất cần có bình an. Bình an là khát vọng thâm sâu của mọi người, mọi nơi mọi lúc. Không có bình an, không có hạnh phúc! Trong Thánh Lễ, lúc sắp rước Thánh Thể, chủ tế cầu xin cho cộng đoàn được bình an của Chúa và mọi người chúc bình an cho nhau. Có điều, bình an của Chúa không giống với bình an của thế gian. Đó là chính sự hiện diện của Chúa trong thâm sâu tâm hồn người môn đệ, sự bình an luôn kèm theo sứ mạng rao giảng cho muôn dân sám hối, làm chứng cho họ về Đức Ki-tô Phục Sinh. Sự bình an của Chúa kèm theo sứ mạng này không chước miễn, mà gắn liền với những gian khổ, thử thách, ngục tù, chết chóc... như bao cuộc đời của các môn đệ Chúa suốt hai ngàn năm nay.
Mời Bạn: Tôi tìm kiếm bình an của Chúa hay bằng lòng với sự bình an của thế gian? Để cảm nếm được bình an của Chúa, chúng ta không được phép dừng lại với sự bình an của thế gian.
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy có một cử chỉ ‘đi ra khỏi sự ổn định’ của mình, chẳng hạn dành thời giờ, tiền bạc chia sẻ cho ai đó cần – như một hành vi rao giảng Tin Mừng cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ở lại với con và ban cho con bình an của Chúa. Amen.
13/04/12 thứ sáu tuần bát nhật ps
Ga 21,1-14
việc to không bỏ, việc nhỏ không quên
“Này các chú, không có gì ăn ư?” (Ga 21,5)
Suy niệm: Chúa Giêsu hiện đến với họ với dáng dấp thật đơn sơ: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các môn đệ chưa từng quen với tình huống mới mẻ này; bởi vì gặp một con người đã chết nay hiện đến hoàn toàn như một người đang sống là một việc từ xưa đến nay chưa từng có. Thế nhưng qua lời nói mà họ đã từng nghe: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền,” và trước kết quả là “lưới đầy cá,” các môn đệ nhận ra đúng là Ngài: con người mà họ đã gặp bên Biển Hồ Tibêria, đã chung sống suốt ba năm qua mà họ tưởng là đã chết với con người này chỉ là một, vẫn gần gũi, thân mật quan tâm chu đáo như thuở ban đầu. Thật là một Thiên Chúa mà việc lớn không bỏ, việc nhỏ không quên! Điều đáng nói nữa là người mau mắn nhận ra điều đó chính là “người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến”.
Mời Bạn: Đức Kitô Phục Sinh luôn có mặt trong đời bạn: trong bữa cơm thanh đạm của gia đình bạn. Ngài hiện diện nơi sở làm, trên nương rẫy, trong lớp học,… và nơi mọi sinh hoạt thầm lặng không tên của bạn. Để nhận ra sự hiện diện ẩn mình của Ngài, chỉ cần bạn có con mắt đức tin và tình yêu.
Sống Lời Chúa: Với một lời nguyện tắt bạn dâng Chúa công việc mình sắp làm để nhắc mình nhớ Ngài vẫn luôn có mặt và cùng làm với bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xưa kia khi các môn đệ đang chìm trong tuyệt vọng thì Chúa đã đến bên họ ân cần quan tâm đến cả những nhu cầu trong đời sống thường ngày của họ. Xin cho con luôn xác tín rằng trong mọi sinh hoạt cuộc sống đời thường của con, Chúa chẳng bao giờ lìa xa con.
14/04/12 thứ bảy tuần bát nhật ps
Mc 16,9-15
chia sẻ tin mừng phục sinh
Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người chỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,14-15)
Suy niệm: Những người được diễm phúc thấy Đức Giêsu phục sinh thuộc ba nhóm khác nhau: Maria Mácđala và các phụ nữ theo Chúa, hai môn đệ thuộc nhóm 72 môn đệ và nhóm 12 tông đồ.
Nhưng họ cũng có một điểm chung: tất cả đã theo Chúa, đã ở với Ngài, đã nghe lời Ngài giảng, thấy các việc kỳ diệu Ngài làm, đặt nhiều hy vọng nơi Ngài cũng như đã từng thất vọng trước cái chết của Ngài. Chúa Kitô phục sinh hiện đến để cho họ thấy Đấng phục sinh hôm nay cũng chính là vị Thầy của họ hôm qua, Ngài không phải là một Đức Kitô khác, nhưng là một Đức Kitô đã đổi khác.
Mời Bạn: Hãy nhớ lời căn dặn của Đức Kitô phục sinh: rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bạn hãy làm như những người được gặp Đức Kitô phục sinh: loan đi, kể lại cho người khác niềm vui này, như chị Maria Mácđala, như hai môn đệ Emmau … Niềm vui phục sinh không thể là niềm vui riêng của bạn.
Sống Lời Chúa: Bạn sẵn sàng chia sẻ một đồ dùng, một món tiền với người đang gặp cảnh khó khăn, chia sẻ một niềm vui với một người đang ưu sầu. Tiếp đến bạn sẽ có thể chia sẻ niềm vui được có Chúa Phục sinh trong đời bạn với những ai thành tâm thiện chí.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Kitô phục sinh, xin cho con hiểu rằng chúng con không được ích kỷ giữ Tin Mừng Phục sinh riêng cho mình, nhưng phải loan báo, chia sẻ niềm vui ấy cho người chung quanh.
15/04/12 chúa nhật tuần 2 ps – b
Kính Lòng Chúa Thương Xót Ga 20,19-31
vì tin nên thấy
Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,28-29)
Suy niệm: Ta hay nói: cứng lòng tin như Tôma. Thật là oan cho ông Tôma! Bởi vì các tông đồ khác cũng chẳng hơn gì: Các ông cũng được xem tay và cạnh sườn Chúa (x. Ga 20,20) mà có ông còn sợ tưởng mình thấy ma (x. Lc 24,37). Trái lại, phải cám ơn Tôma, vì nhờ ông mà ta hiểu rằng tin vào Đức Kitô phục sinh không phải là điều dễ dàng chút nào. Ít ra cũng có người tỉnh táo như ông: đòi mắt phải thấy, tay phải đụng chạm vào các lỗ đinh của Đức Giêsu thì mới chịu tin. Nhờ đó, ta thấy niềm tin vào sự kiện Chúa phục sinh là có cơ sở, đáng tin cậy bởi vì chính cá nhân ông đã kiểm chứng. Thế mà niềm tin của ta lại dựa vào những chứng nhân như ông.
Mời Bạn củng cố niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, niềm tin quan trọng nhất của cuộc đời người Kitô hữu. Tôma đòi thấy mới tin, còn bạn, vì tin nên thấy: vì tin Đức Giêsu phục sinh nên thấy Người đang sống giữa nhân loại, đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, đang hiện thân nơi những người anh em, chị em chung quanh.
Sống Lời Chúa: 1. Ý thức Chúa Kitô phục sinh đang sống với tôi, đang yêu mến nhìn tôi và giúp tôi sống Tin mừng Phục sinh trong đời thường của mình. 2. Mỗi ngày làm một nghĩa cử bác ái như một hành động loan báo Tin Mừng Phục sinh cho một người lân cận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa nói với chúng con: “Phúc thay những ai không thấy mà tin”. Xin cho chúng con tin, dù không thấy Chúa, và vì tin, nên nhìn thấy Chúa đang hiện diện, đang thi ân giáng phúc cho chúng con. Amen.
16/04/12 thứ hai tuần 2 ps
Ga 3,1-8
vượt qua những thói quen
“Tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” (Ga 3,3)
Suy niệm: Thời nay vẫn có quá nhiều người chết trẻ: những bệnh nhi ung thư; những bệnh nhân HIV-AIDS đa số là những người trẻ; cũng phải kể đến tai nạn giao thông cướp đi biết bao sinh mạng. Thủ phạm của những cuộc “tàn sát” ấy là những thứ đầu độc con người, đến từ môi trường, thực phẩm và kể cả những cung cách sống đang tràn lan trong xã hội. Nhưng quá nhiều người “quen thuộc” các thứ độc hại ấy. Những “thói quen” chết người như thế cũng len lỏi trong lĩnh vực đức tin. Nicôđêmô vốn quen với nếp nghĩ của mình không kịp mở lòng đón nhận sự tác động từ Thiên Chúa để được ơn sinh lại làm con cái Chúa nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Charles H. Spurgeon nhận xét: “Đức tin bước lên những nấc thang tình yêu để tiến tới chân trời hy vọng đã mở ra,” người ta chỉ thuộc về Nước Thiên Chúa một khi họ mở lòng dấn bước về phía Đức Kitô và đón nhận Ngài cùng Thánh Thần của Ngài đang mở ra cho họ.
Mời Bạn: Mỗi ngày là một cơ hội Chúa mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận Đức Kitô cách sâu xa hơn. Những thói quen nào đang níu kéo khiến bạn không thể tiến bước sâu trong đức tin? Những thói quen đó có thể làm chết dần mòn đức tin của chúng ta đấy bạn.
Chia sẻ: Ngày nay, thói quen nào đang gây nguy hại nhiều nhất cho đức tin?
Sống Lời Chúa: Dành 5 phút mỗi ngày cầu nguyện với Lời Chúa và xin Chúa ban thêm đức tin.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết gìn giữ đức tin và ngày càng sống tình thân với Chúa hơn.
17/04/12 thứ ba tuần 2 ps
Ga 3,7b-15
thập giá sinh ơn cứu độ
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,15)
Suy niệm: Để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại mà Chúa Cha đã trao phó, Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết đau thương. Tựa như con rắn đồng bị treo trên cây cột, Đức Giêsu cũng chịu treo trên cây thập giá. Và cũng như con rắn đồng là nguồn sự sống cho người bị rắn cắn, ai nhìn lên Đức Giêsu với lòng tin tưởng sẽ được sống đời đời. Như vậy, nhờ cuộc Khổ nạn-Phục sinh của Ngài, con người được trở nên con cái thân thiết của Thiên Chúa, được sống muôn đời. Mẫu gương của Đức Giêsu chịu treo trên thập giá thúc đẩy “ai muốn theo Chúa, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo.” Như vậy, thập giá đã trở thành một điều kiện cần để Chúa ban sự sống thần linh cho những ai muốn theo Ngài, đồng thời thập giá cũng trở thành điều kiện đủ cho những ai muốn theo Ngài.
Mời Bạn: Thập giá chính là những đau khổ, thử thách, khó khăn của cuộc sống và cũng có thể là chướng ngại vật ngăn cản, đe dọa lòng tin yêu của chúng ta đối với Chúa. Bạn đã có thái độ đức tin nào trước những thập giá cuộc đời?
Chia sẻ: Những lúc gặp đau khổ, bạn có nhìn lên Đức Giêsu trên thập giá để nhận ra Chúa đang đồng hành với bạn trong mọi cảnh huống cuộc đời không?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ phó thác những thập giá của cuộc đời và những lung lay trong niềm tin trong tay Chúa Cha qua việc chiêm ngắm thập giá Đức Giêsu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng quan phòng, Chúa biết rõ những điều gì tốt lành cho chúng con. Xin giúp chúng con vượt mọi thử thách trong niềm cậy trông và tin tưởng hoàn toàn. Amen.
18/04/12 THỨ TƯ TUầN 2 PS
Ga 3,16-21
ngài là ánh sáng TÌNH YÊU
“Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian… để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ .”(Ga 3,17)
Suy niệm: Trên đời có nhiều thứ bóng tối còn tối hơn cả.. đêm ba mươi: bóng tối của nghi ngờ, bóng tối của tuyệt vọng, bóng tối của sự chết... Đức Giêsu là ánh sáng đến trần gian đưa ta khỏi tình trạng đoán mò về chân tướng của Thiên Chúa. Ngài cứu vớt ta khỏi tình trạng bi quan, thất vọng về thân phận tội lỗi. Ngài giải thoát ta khỏi nỗi sợ về bóng tối sự chết vì từ nay sự chết của Ngài là cửa dẫn ta đến sự sống vĩnh cửu: “Sự sống lại của Đức Giêsu là một sự tuôn trào của Ánh Sáng. Cái chết bị chinh phục, cửa mồ bị mở toang. Đấng Phục Sinh chính là Ánh Sáng, Ánh Sáng của trần gian. Với sự sống lại, ngày của Thiên Chúa bước vào những đêm tối của lịch sử. Ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa khắp thế gian… Chỉ có Ánh Sáng này, Chúa Giêsu Kitô, là ánh sáng thật” (Đức Bênêđitô 16).
Mời Bạn: Nhiều lúc bạn thích ẩn mình trong bóng tối vì bạn cảm thấy yên hàn khi sống trong bóng đêm của tội, của những ý nghĩ, dự định đen tối. Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn quy chiếu cuộc sống mình vào Đức Kitô, để nhờ ánh sáng phục sinh của Ngài “thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,21).
Sống Lời Chúa: Ngày này qua ngày khác, tôi sẽ cố gắng duy trì và lập lại niềm tin nơi Đức Giêsu, Đấng cứu chuộc nhân loại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật không dễ dàng để dứt ra khỏi tình trạng “tăm tối” của mình. Xin ban cho chúng con tình yêu và nghị lực, để khi nhận ra ánh sáng của đức tin và sự thật, chúng con mạnh dạn tiến bước và trở về với Chúa. Amen.
19/04/12 thứ năm tuần 2 ps
Ga 3,31-36
ngưỡng vọng trời cao
“Đấng từ trời cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất.” (Ga 3,31)
Suy niệm: Với những người quá thực dụng, cuộc đời họ xoay quanh bốn động từ: “làm, ăn, chơi, ngủ.” Trái lại, tầm nhìn của người Kitô hữu không chỉ dừng lại những điều dưới đất, trước mặt, nhưng còn phóng xa đến những điều trên trời. Đức Giêsu, Đấng từ trời cao mà đến, đã kể lại cho họ những điều chính Ngài đã biết, đã thấy và đã nghe. Chỉ mình Ngài mới có thể nói chính xác cho ta biết về Chúa Cha và đời sống trên thiên đàng. Đây thật sự là Tin Mừng cho chúng ta vì qua lời chứng của Đức Giêsu, chúng ta được hạnh phúc có Chúa là Cha yêu thương, luôn quan tâm chăm sóc, và muốn ta cũng được vui hưởng hạnh phúc muôn đời với Ngài: “Ai tin vào Ta thì được sự sống đời đời.”
Mời Bạn: Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế, khi sống trong tình yêu thân thiết với Thiên Chúa và với những người thân cận, bạn đang thuộc về trời cao, đang cảm nghiệm phần nào hạnh phúc của thiên đàng. “Muốn nhìn đúng phải nhìn bằng trái tim - mắt thường làm sao thấy được những điều vô hình” (St. Exupéry). Nhờ quả tim yêu thương, bạn sẽ nhận ra, “nhìn thấy” Thiên Chúa đang hiện diện trong đời bạn và lòng bạn sẽ tràn ngập hạnh phúc của người đang được yêu mến.
Sống Lời Chúa: Suy gẫm và cầu nguyện theo mầu nhiệm thứ hai của Năm Sự Mừng: “Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã kể cho con những sự trên trời; Chúa còn dạy chúng con phương cách về trời nữa, là hãy tin Chúa. Xin cho chúng con luôn hướng về và ái mộ những sự trên trời. Amen.
20/04/12 thứ sáu tuần 2 ps
Ga 6,1-15
phép lạ khi biết sẻ chia
“Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Đức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” (Ga 6,9-10)
Suy niệm: Khi nạn hạn hán hoành hành khắp xứ Palestin, ngôn sứ Êlia xin một bà góa ở thành Xarépta ít nước uống, bà sẵn sàng cho. Thế nhưng, khi ông xin thức ăn, bà ngần ngại vì chỉ còn rất ít bột, chỉ đủ ăn lần cuối rồi chết. Ngôn sứ quả quyết nếu bà làm một cái bánh cho ông trước, rồi làm cho bà và con bà sau, thì hũ bột và dầu trong nhà sẽ không bao giờ cạn. Bà làm đúng như vậy, và phép lạ đã xảy ra vì bà biết sẻ chia phần lương thực cuối cùng của mình (1V 17,1-15). Hôm nay nhờ lòng quảng đại sẻ chia năm chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé, Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi sống không phải một vài người, nhưng cả đám đông được ăn no nê.
Mời Bạn: Phép lạ vẫn đang diễn ra hằng ngày, nhưng để phép lạ có thể xảy ra, Chúa cần chúng ta đóng góp vào đó tấm lòng quảng đại, sẵn sàng sẻ chia một miếng bánh nhỏ dù mình đang túng đói, hay một lời nói thứ tha dù cơn giận đang bùng lên. Bạn hãy sẻ chia một chút vật chất cho một người nghèo túng hơn bạn, vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no.” Hãy chia sẻ một chút tha thứ, thì gia đình, cộng đoàn sẽ được hiệp nhất yêu thương bền lâu. Hãy sẻ chia tấm bánh cuộc đời bạn để muôn người được ấm no và đầy tình người.
Sống Lời Chúa: “Cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20,35).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một tấm lòng quảng đại để biết cho đi mà không mong đợi đền đáp, hầu cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trong cuộc sống mình. Amen.
21/04/12 thứ BẢY TUẦN 2 PS
Th. Ansenmô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh Ga 6,16-21
tiếp thêm niềm tin
…Biển động vì gió thổi mạnh… Các ông hoảng sợ. Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ !” (Ga 6,18-20)
Suy niệm: Dấu lạ Chúa Giêsu hóa nước thành rượu tại Cana, chữa người đau ốm 38 năm ở hồ Bếtdatha, hóa bánh ra nhiều... vẫn chưa đủ sức thuyết phục các môn đệ tin vào Ngài. Vì thế, khi “Chúa Giêsu đi trên mặt biển” đến thuyền các ông, các ông đ “hoảng sợ,” thay vì nhận ra ngay đó là Chúa. Tin nằm ở một trật tự khác với thấy. Có người phải thấy mới tin, nhưng tự bản chất, tin không đòi hỏi phải thấy mà trước hết là một hành vi nội tâm, một ơn ban vô điều kiện của Thiên Chúa. Bao lâu chưa đạt tới tầm vóc này, Chúa vẫn có thể thực hiện một số dấu lạ để tiếp thêm lòng tin của con người. Đó là điều Ngài đã làm cho các môn đệ hôm nay.
Mời Bạn: Có khi nào ta đòi dấu lạ để tin chưa? Thật ra khi ta đòi điều kiện, Chúa có thể sẽ đáp ứng, nhưng cứ đòi mãi thì còn gì là tin, bởi đức tin là sáng kiến của chính Thiên Chúa. Tin vào sáng kiến không thể sai lầm của Ngài chính là hành vi của đức tin vậy.
Chia sẻ: Hiện tại đức tin của ông, bà, anh, chị… hệ tại điều gì? Ơn Chúa ta nhận được, thử thách ta vượt qua, tình yêu ta cảm nhận hay còn phải đợi chờ dấu lạ của Chúa?
Sống Lời Chúa: Giữa cơn khủng hoảng đang làm chao đảo con thuyền Hội Thánh, mỗi tín hữu hãy nhớ lại Lời Chúa hôm nay: “Thầy đây, đừng sợ!”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin tiếp thêm sức mạnh cho chúng con, giúp chúng con vững tin vào những việc Chúa đang làm, nhất là trong những hoàn cảnh éo le của cuộc đời. Xin cho chúng con nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện với chúng con, bảo đảm cho sự trợ giúp của Chúa. Amen.
22/04/12 chúa nhật tuần 3 ps – b
Lc 24,35-48
phục sinh niềm tin
“Sao anh em lại hoảng hốt?” (Lc 24,38)
Suy niệm: Đây là lần thứ nhất Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, sau khi từ cõi chết sống lại. Phản ứng của các ông là kinh hãi, “tưởng là ma.” Mặc dù Chúa minh chứng bằng các dấu đinh ở chân tay, nhưng các ông vẫn không tin. Chúa lại ăn một khúc cá nướng để các ông thấy mà tin. Rồi Chúa vận dụng Kinh Thánh để minh chứng sự phục sinh của Ngài. Như vậy, Chúa dùng mọi cách để củng cố đức tin cho các tông đồ. Ta không vội phiền trách sự kém tin của các ông. Đúng hơn phải cảm ơn các tông đồ, vì từ chỗ không tin, các vị đã tin vững vàng, đến mức dám chết để minh chứng đức tin. Nhờ sự kém tin của các tông đồ mà hôm nay chúng ta được vững tin. Niềm tin của Hội Thánh và của chúng ta đặt trên niềm tin của các tông đồ khi xưa.
Mời Bạn: Đức Thánh Cha Biển Đức đã quyết định mở “Năm Đức Tin” cho toàn Giáo Hội từ 11/10/2012 đến 24/11/2013, nhằm "khôi phục lại sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này, và cung cấp cho người ta con đường đi đến đức tin, giúp họ có thể phó thác cho Thiên Chúa là Đấng đã yêu chúng ta đến cùng trong Chúa Giêsu Kitô." Bạn hãy hưởng ứng Năm Đức Tin này để canh tân và đào sâu đức tin của bạn.
Sống Lời Chúa: Khi gặp một tình huống gay go về niềm tin, tôi sẽ tìm lời giải đáp trong Tin Mừng, noi gương các thánh tử đạo Việt Nam.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, “xưa Chúa đã ban cho các ngài được vững tin vào Lời Chúa, và đầy sức mạnh của Thánh Thần, nên các ngài đã kiên tâm chịu gian lao đau khổ, quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường Thập Giá và hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Amen.”
(Kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam)
23/04/12 thứ hai tuần 3 ps
Th. Giócgiô, tử đạo Cv 6,8-15
làm chứng cho sự thật
Có những người thuộc hội đường xúi mấy người phao lên rằng: “Chúng tôi đã nghe hắn (Têphanô) nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa”… “Tên này không ngừng nói lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giêsu người Nadarét sẽ phá hủy nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Môsê đã truyền lại cho chúng ta.” (Cv 6,11-12)
Suy niệm: Người Do Thái vu cáo Têphanô cùng một tội như đã gán cho Chúa Giêsu: “Xúc phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa”. Với tội này, họ đã lên án và ném đá ông tới chết, như họ đã từng lên án và giết chết Chúa Giêsu. Số phận của người môn đệ trung thành của Chúa không khác số phận của Thầy mình: bị chống đối, bị ghét bỏ, bị vu oan và bị loại khỏi đời sống xã hội.
Mời Bạn: Người môn đệ của Chúa là người dám nói sự thật về Thiên Chúa. Cho dù bị chống đối, bị khích bác và bị hãm hại, người môn đệ Chúa vẫn cứ nói Lời của Chúa, vẫn yêu như Chúa yêu và vẫn sống như Chúa đã dạy và sống để làm chứng cho Sự Thật. Bạn dám làm chứng cho Chúa theo tinh thần của Têphanô không?
Chia sẻ: Nói thật lắm khi bị “thiệt thòi,” dù vậy chúng ta vẫn cần có can đảm nói thật, sống thật. Mời bạn chia sẻ một kinh nghiệm về việc này.
Sống Lời Chúa: Nhớ lời Chúa Giêsu trong ngày sống hôm nay: “Thầy là Đường đi, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, vì yếu đuối và vì những mối lợi trước mắt, nhiều khi chúng con không dám nói thật và sống thật. Xin Chúa giúp chúng con can đảm sống và nói thật trong cuộc sống để trở nên là những nhân chứng cho Sự Thật là chính Chúa.
24/04/12 thứ ba tuần 3 ps
Th. Phiđen Díchmaringân, linh mục, tử đạo Ga 6,30-35
có thứ bánh trường sinh
“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35)
Suy niệm: Thế giới quảng cáo ngày nay không ngại dùng những từ cường điệu nhất để đề cao chất lượng sản phẩm của mình. Song chẳng có hãng bánh nào dám quảng cáo bánh của mình là bánh trường sinh. Ở đây, Đức Giêsu tuyên bố rõ rằng Người là bánh trường sinh! Điều mà không ai dám mơ, lại hoàn toàn có thật! Đám đông dân chúng lặn lội vượt Biển Hồ, tuốn đến với Đức Giêsu, không phải vì tìm Người cho bằng tìm... bánh! (hôm qua Chúa mới cho trên 5000 người ăn bánh no nê, còn dư 12 thúng đầy). Hôm nay Chúa không hóa bánh ra nhiều cho họ nữa, thay vào đó, Người tiết lộ rằng chính Người là Bánh trường sinh. Như một trò chơi lớn đi tìm mật thư, họ được dẫn đi từ thứ bánh thông thường (nhu cầu mà họ cảm nghiệm rất rõ, rất quen thuộc) đến thứ bánh có một không hai: bánh trường sinh (là nhu cầu thâm sâu nhất nơi mỗi người, song cũng rất thường bị thờ ơ).
Mời Bạn: Trong khi cố gắng đáp ứng những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đừng lãng quên tìm kiếm sự sống tâm linh, sự sống vĩnh cửu, đó mới là nhu cầu quan trọng số một.
Chia sẻ: Chúa Giêsu là bánh trường sinh; theo bạn, đâu là thái độ hưởng ứng thích đáng nhất đối với sứ điệp này ?
Sống Lời Chúa: Hôm nay, trước mỗi bữa ăn, bạn xin Chúa cho mình biết đói khát bánh trường sinh của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu thương, Chúa đã trở thành tấm bánh cho con. Xin cho con biết khát khao đón nhận Chúa, và đến lượt con trở thành tấm bánh cho đời. Amen.
25/04/12 thứ tư tuần 3 ps
Th. Máccô, tác giả sách Tin Mừng Mc 16,15-20
khởi sự việc loan báo
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: “Người lính Do Thái phải tìm hiểu và yêu thương quê hương của mình bằng hai bàn chân” (B. Gourion). Cha Ngô Phúc Hậu đã chia sẻ người tín hữu phải bắt đầu truyền giáo bằng việc ra đi. Ngày nay họ có thể “đi” bằng phương tiện truyền thông xã hội (báo chí, internet…), nhưng cũng phải đi bằng thân xác thể lý, để có thể hiện diện, đối thoại, gặp gỡ anh em lương dân. Muốn truyền giáo hữu hiệu thì phải “mặt đối mặt, lời trao lời mới nảy ra tình yêu.” Truyền giáo mà thiếu quả tim yêu thương thì không thể truyền giáo thật sự được. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc nhở nhiệm vụ số một của mọi tín hữu là đi khắp thế giới để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người.
Mời Bạn: Muốn đi bằng chân hay thân xác thể lý thì trước hết bạn phải ra khỏi cái tôi chật hẹp của mình, bớt những bận tâm về bản thân, sở thích, thói quen, lợi lộc của mình, để toàn tâm toàn trí thực thi mệnh lệnh của Đức Giêsu. Bạn chỉ có thể đi đến với anh em lương dân khi nào lòng bạn yêu mến Đức Giêsu cũng như quan tâm đến phần rỗi của những người chưa biết Chúa.
Chia sẻ: Bạn nghĩ gì về tình trạng người Công giáo Việt Nam chưa quan tâm đến nhiệm vụ loan báo Tin Mừng?
Sống Lời Chúa: Trong mùa Phục Sinh này, tôi sẽ tập thói quen viếng thăm nhà những người lương dân lân cận, để khởi sự việc loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng. Từ hôm nay xin cho chúng con biết khởi sự bằng việc quan tâm thăm viếng những gia đình lương dân kế cận mình. Amen.
26/04/12 thứ năm tuần 3 ps
Ga 6,44-51
chúa giêsu là bánh bởi trời
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,51)
Suy niệm: Ăn uống để sống là chuyện không có gì để bàn cãi. Nhưng ăn gì uống gì để sống đời đời mới phát sinh nhiều phản ứng trái chiều. Thật vậy, khi Chúa Giêsu nói “bánh hằng sống từ trời” là thịt máu Ngài, “ai ăn sẽ được sống muôn đời” thì không ít người, kể cả các môn đệ của Ngài, bị “’sốc” và bỏ đi vì những lời “chướng tai, không thể nghe nổi” đó. Mà chỉ có những ai được Chúa Cha “lôi kéo,” hay nói cách khác, biết “nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha” với lòng tin, mới có thể “ở lại” và tuyên xưng: “Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Mời Bạn: Ăn để sống, không phải sống để ăn đã trở thành chân lý trong văn hoá ứng xử của con người. Trong đời sống thiêng liêng việc “ăn và uống” Mình và Máu Thánh Chúa cũng là nhu cầu cần thiết để người tín hữu sống đời đời ngay khi ở đời này và còn đạt đến sự sống ở đời sau nữa.
Chia sẻ: Cuộc đời mỗi người cho là dài lắm bất quá chỉ hơn kém trăm năm, thế mà hằng ngày ta phải bận bịu, tảo tần để kiếm của ăn nuôi sống. Thế sao ta không thể dành ít là 5 phút mỗi ngày để đến với “Lời ban sự sống đời đời”? Sao ta không thể dành ít là một tiếng đồng hồ mỗi tuần để tham dự Thánh Lễ để lãnh nhận Bánh Hằng Sống để được sống muôn đời? Bạn hãy nghĩ lại xem!
Sống Lời Chúa: Chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để rước Thánh Thể mỗi khi tham dự thánh lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì yêu con Chúa đã trở thành Bánh để cho con ăn và được sống đời đời. Con xin cảm tạ Chúa. Xin đừng để con nghi ngờ tình yêu của Chúa trong Phép Thánh Thể.
27/04/12 THỨ SÁU tuần 3 PS
Ga 6,52-59
THẦN LƯƠNG NUÔI SỐNG
“Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở trong tôi và tôi ở trong người ấy.” (Ga 6,56)
Suy niệm: Điều người Do thái tranh luận sôi nổi trước đây cũng là đề tài nóng bỏng cho ngày hôm nay. Tại sao Chúa Giêsu lại muốn chúng ta ăn thịt và uống máu Ngài như thế? Liệu còn cách nào mạnh mẽ hơn để diễn tả tình yêu của Ngài dành cho con người không? Hẳn là không. Vì quá yêu nhau mà đôi tình nhân uống máu thề nguyền mãi mãi với nhau. Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa, ai ăn thịt và uống máu Ngài thì ở lại trong Ngài và như Ngài đã sống nhờ Cha thế nào thì kẻ ăn Ngài cũng sẽ nhờ Ngài mà được sống như vậy. Sức sống thần linh nối kết con người với Chúa Giêsu và Chúa Cha nhờ việc rước Mình Thánh Ngài. Sáng kiến ấy chỉ có Tình Yêu của Thiên Chúa mới có thể đưa ra và thực hiện được.
Mời Bạn: Mỗi lần Mình Thánh Chúa tan dần và trở nên thịt máu bạn, cũng là lúc Chúa đang sống trong bạn, hoạt động trong bạn. Đúng như thánh Phaolô nói: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Thế nên cuộc sống của bạn phải là hình ảnh sống động của Ngài trong thế giới hôm nay. “Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác anh em” (1Cr 6,20).
Chia sẻ: Chúa sống trong bạn, vậy bạn có chia sẻ tình yêu của Ngài cách cụ thể cho những người khác không?
Sống Lời Chúa: Rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ, và thường xuyên hướng về Chúa và rước lễ thiêng liêng những lúc thinh lặng trong giờ nghỉ giữa ngày.
Cầu nguyện: Xin cho con mãi là hình ảnh sống động của Chúa, để qua con ngày càng có nhiều người nhận biết Chúa hơn.
28/04/12 thứ bảy tuần 3 ps
Th. Phêrô Chanen, linh mục, tử đạo Ga 6,51.60-69
sự thật của tình yêu
Đức Giê-su nói: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.”... Nhiều môn đệ Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe cho nổi.” (Ga 6,51.60)
Suy niệm: Những lời của Chúa Giêsu thực sự gây sốc không chỉ đối với dân chúng: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” mà còn với các môn đệ bấy lâu nay vẫn đi theo Ngài: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi.” Thậm chí có người còn bỏ Thầy mà đi. Thế mà Ngài không rút lời cũng không giữ các ông ấy lại, bởi vì đây chỉ có cách đó Ngài mới có thể yêu chúng ta bằng một tình yêu gắn bó keo sơn, mặn nồng ngàn lần hơn cả tình nghĩa phu thê. Dẫu lời ấy vẫn ‘chướng tai’ cho cả con người thời nay, Chúa vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta qua hồng ân Thánh Thể cho đến ngày chúng ta được kết hợp với Ngài trên Thiên Đàng.
Mời Bạn: Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu khi viết về lần đầu mình được Rước lễ đã diễn tả cảm nghiệm của mình như được đón nhận cái hôn của Chúa Giê-su trên môi con. Bạn và tôi đã nhiều lần lãnh nhận Mình Thánh Chúa; có lẽ chúng ta không bị sốc như một số môn đệ ngày xưa, nhưng xác tín hoàn toàn vào mầu nhiệm Tình Yêu này thì có lẽ chưa. Mời bạn năng lãnh nhận và suy niệm Bí tích Tình Yêu này để thêm xác tín và để sống cảm nghiệm ngọt ngào như thánh nữ Têrêxa.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên rước lễ thiêng liêng và dành thời gian trong ngày để trò chuyện thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã cho nhân loại Thần Lương, để nhân loại được sống đời đời. Xin cho con siêng năng lãnh nhận lương thần của Chúa. Amen.
29/04/12 chúa nhật tuần 4 ps – b
Ngày Thế giới cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu Ga 10,11-18
chủ chiên và chiên biết nhau
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,14-15)
Suy niệm: Trong Cựu Ước hình ảnh con chiên được dùng với những ý nghĩa phong phú. Mối quan hệ chủ chiên và chiên không dựa trên giá trị kinh tế nhưng là một mối quan hệ rất thân tình như cha với con (x. 2Sm 12,2-3). Thiên Chúa ví mình như một chủ chiên tốt, luôn chăm lo cho đoàn chiên của mình:“Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta… Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh…” (Ed. 34,15-16). Chúa Giê-su còn sánh ví mạnh mẽ hơn: Người mục tử tốt lành dám liều mạng sống vì đoàn chiên. Và giữa chủ chiên và đoàn chiên có quan hệ thân tình hai chiều: “Tôi biết chiên tôi, và chiên tôi biết tôi.”
Mời Bạn: Chúa biết tôi sâu xa đến mức Người hiến mạng sống để trở nên một với tôi, đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể. Tôi có cảm nhận được mối thâm tình Chúa Giê-su dành cho tôi chưa? Phần tôi, tôi “biết” Chúa đến mức nào? Tôi xét lại thái độ của mình đối với Bí tích Thánh Thể: tha thiết yêu mến hay thờ ơ lạnh nhạt? siêng năng hay cầm chừng ở mức tối thiểu?
Chia sẻ cảm nghiệm của bạn về mối quan hệ thân tình giữa bạn với Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi dọn mình sốt sắng để có thể rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ; và sau đó dành một thời gian thích đáng để cám ơn sau khi rước lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là chủ chiên nhân lành của con, xin nhận lấy con như con chiên trong đoàn chiên của Chúa. Xin cho con biết lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa gọi con mỗi ngày.
30/04/12 thứ hai tuần 4 ps
Th. Piô X, giáo hoàng Ga 10,1-10
cửa sự sống cho đàn chiên
Vậy, Đức Giêsu lại nói: “Tôi là cửa cho chiên ra vào… Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.” (Ga 10,7
tưởng niệm cuộc thương khó của chúa Mc 14,1-15,47
thánh thể điểm hẹn tình yêu
“Thầy nhắn: ‘Căn phòng của tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu’?” (Mc 14,14)
Suy niệm: Chính vào ngày giết chiên vượt qua, Giêrusalem sôi sục bầu khí thù hận, các nhà lãnh đạo Do Thái đang tìm giết Chúa Giêsu. Trong bối cảnh đó, Chúa vẫn chuẩn bị thật chu đáo và kín cạnh. “Một người mang vò nước,” đó là ám hiệu; còn mật khẩu là “căn phòng ăn lễ Vượt Qua của Thầy.” Một căn phòng nhỏ, trên lầu đã được chuẩn bị: vừa kín đáo, vừa ấm cúng, phù hợp cho cuộc gặp gỡ quan trọng này. Ngài cần một điểm hẹn không chỉ để ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ lần cuối, mà chính là để bộc lộ trọn tình yêu của Ngài cho những người Ngài yêu mến, qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể, phương thế để hiến thân trọn vẹn cho họ, để ở lại với họ “mọi ngày cho đến tận thế.” Từ nay bất cứ ở đâu diễn ra bí tích Thánh Thể nơi đó đều trở thành điểm hẹn của Tình Yêu.
Mời Bạn: Chúa Giêsu đã sắp xếp tất cả để yêu bạn ngay trước “mũi” những kẻ đang tìm giết Ngài. Còn bạn, bạn đã làm tất cả để đến điểm hẹn là Thánh lễ, là Nhà Tạm, nơi có Thánh Thể, và nhất là điểm hẹn trong căn phòng tâm hồn bạn để gặp gỡ Đấng là Tình Yêu của bạn chưa? Việc Ngài hiến thân trên thập giá và hoá thân trong Thánh Thể cũng chỉ là một hành động để yêu bạn đến cùng. Bạn có sẵn sàng sống như Chân phước Anrê Phú Yên “lấy tình yêu đáp lại tình yêu, lấy mạng sống đáp lại mạng sống” cho Ngài chưa?
Sống Lời Chúa: Siêng năng rước lễ và chầu Thánh Thể để đáp lại tình yêu Chúa cách sâu đậm nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng về Chúa tất cả tấm thân và cuộc sống của con.
02/04/12 thứ hai tuần thánh
Ga 12,1-11
cho người nghèo giêsu
Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12,4-5)
Suy niệm: Xét theo lý, thì Giuđa Itcariốt thật là… có lý. Và ngược lại người ta có thể trách móc cô Maria về tội hoang phí vì dùng cả một cân dầu cam tùng trị giá ba trăm quan tiền chỉ để xức chân Chúa Giêsu, trong khi vẫn còn đó biết bao người nghèo khó thiếu thốn! Thực tế cho thấy những lời lẽ tốt đẹp của Giuđa trái ngược với những gì lòng anh ta mưu tính: chỉ ít ngày sau đó, anh đã bán đứng Thầy mình với giá có ba mươi đồng bạc! Trái lại, Chúa Giêsu đúng là người nghèo đích thực, bởi vì Ngài vốn giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta để nhờ đó chúng ta được trở nên giàu có (x. 2Cr 8,9). Hành động của Maria dù có quảng đại cũng không thể đáp đền cân xứng với “người nghèo Giêsu”. Chúng ta còn phải tiếp tục chia sẻ với những “người nghèo quanh ta” cũng một cách quảng đại như vậy vì nhìn thấy “người nghèo Giêsu” hiện diện nơi họ.
Mời Bạn: Lắm khi chúng ta cũng vô tình cư xử theo kiểu Giuđa, đó là khi chúng ta dùng nhiều lý lẽ rất “có lý” để “cò kè bớt một thêm hai” trong việc thờ phượng Thiên Chúa; khi nhân danh việc từ thiện bác ái để mưu tính lợi lộc danh dự; hoặc một mặt làm phúc bố thí nhưng mặt khác, trong cung cách làm ăn, lại chèn ép, loại trừ người nghèo hèn, yếu thế. Mời bạn kiểm điểm chính mình cách sâu xa để kịp thời nhận ra và loại bỏ những động lực lệch lạc ấy.
Sống Lời Chúa: Quảng đại dành thời gian cầu nguyện với Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con luôn biết quảng đại với Chúa để con có thể quảng đại với tha nhân.
03/04/12 thứ ba tuần thánh
Ga 13,21-33.36-38
người phản bội
“Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy.” (Ga 13,21)
Suy niệm: Sự phản bội bao giờ cũng đáng ghét. Người càng được yêu mà lại quay lưng phản bội chính người yêu mình thì sự phản bội càng tồi tệ, nhất nữa là lợi dụng chính sự tín nhiệm mình có qua tình yêu đó để phản bội. Và còn điều gì phũ phàng hơn khi người bị phản bội lại biết rõ những toan tính của y. Lời Chúa tiết lộ người phản bội ngay trong bữa Tiệc Ly chẳng khác nào tiếng sét đánh ngang tai. Đáng lẽ ra kẻ phản bội phải tỉnh ngộ, hay ít ra cũng đề cao cảnh giác vì thấy âm mưu của mình đã bị bại lộ. Thế nhưng Giu-đa đã quá cứng lòng. Lòng ham mê tiền bạc đã làm anh ra mù quáng. Anh nhắm mắt ăn tấm bánh chính tay Chúa trao, rồi ra đi, ra đi trong đêm tối.
Mời Bạn: Mỗi lần phạm tội, là một lần bạn bỏ Chúa mà đi. Bạn thử nhớ lại những lần đó, bạn có nghe tiếng Chúa trong lương tâm cảnh báo, ngăn cản, khuyên lơn bạn dừng lại đừng bước vào hố thẳm của tội lỗi? Điều gì đã khiến bạn không thể dừng lại? Lòng tham? Đam mê dục vọng? Tự ái? Càng từ chối làm theo tiếng nói của lương tâm, người ta càng khó nghe được tiếng nói đó, cho đến một ngày nào đó, lương tâm sẽ trở nên “cứng cỏi” giống như Giu-đa.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình, xét mình hằng ngày sẽ giúp bạn nhạy bén trước tiếng nói của lương tâm và mau chóng phát hiện những lỗi lầm trước khi mọi sự trở thành quá muộn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con nhìn nhận mình yếu đuối hay phản bội ân tình Chúa. Xin Chúa gìn giữ con khỏi trở nên cứng lòng, để con biết lắng lời gọi yêu thương của Chúa, mà hối cải ăn năn trở về với Chúa. Amen.
04/04/12 thứ TƯ TUẦN THÁNH
Mt 26,14-25
Cần cúi mình đấm ngực
Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó.” (Mt 26,25)
Suy niệm: Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét xã hội Việt Nam hôm nay như sau: “Căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối.” (“Cần một cuộc tự vấn,” Tuổi Trẻ số 1-2012, ngày 01/01/ 2012: 12). Sự giả dối tràn lan khiến nhiều người tự hỏi, sống chân thật để làm gì? Căn bệnh giả dối này từng gây cho Giu-đa mất khả năng nhìn nhận sự thật hoặc chỉ dám nhìn một nửa sự thật. Ông đã dám đối diện với Chúa để hỏi Chúa về chính mình như các môn đệ khác, nhưng ông lại không dám nhìn “mưu tính bán Chúa” bên trong mình. Sự giả dối nơi ông tinh vi đến độ, ngoại trừ Chúa Giê-su, không một ai trong các môn đệ biết những toan tính hạ cấp đó của ông, bởi sự gần gũi trong cử chỉ và lời nói của ông với Thầy Giê-su vẫn không khác gì với các môn đệ khác.
Mời Bạn: Sống chân thật không chỉ nhìn về Chúa, mà còn nhìn vào chính bản thân khi đối diện với Chúa và đón nhận ơn hoán cải. Có quá nhiều lần chúng ta nhìn lên Chúa, ca tụng Chúa, cầu nguyện với Chúa; nhưng lại quá ít lần chúng mình nhìn nhận sự thật đang nhầy nhụa nơi bản thân để sám hối, trở về với Chúa. Thi sĩ Péguy từng nói: người ta đã thấy ân sủng xuyên qua một tâm hồn đồi bại và đã thấy cái bị hư mất nay được cứu thoát. Nhưng khó mà xuyên qua cái “không thẩm thấu” được.
Chia sẻ: Những giả dối trong đời sống xã hội phát xuất từ đâu?
Sống Lời Chúa: Hãy sám hối, vì tội ta phạm đang đóng đinh Chúa lần nữa.
Cầu nguyện: Hát: “Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình, con đớn đau nhìn vũ trụ tự hối…”
05/04/12 thứ năm tuần thánh
Ga 13,1-15
noi gương đức kitô phục vụ
“Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14)
Suy niệm: Trong thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh có một nghi thức độc đáo mà chỉ hôm nay mới có: Sau bài giảng là nghi thức diễn lại việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly. Dù chỉ là nghi thức mang tính minh hoạ nhưng những người được chọn trong vai các tông đồ cũng cảm thấy được đánh động sâu xa vì bài học đầy ấn tượng này khi chính vị chủ tế quì xuống rửa chân cho mình. Chỉ là nghi thức mà đã thế, huống chi là các tông đồ hẳn đã ngỡ ngàng biết bao khi Chúa Giêsu làm thật như vậy! Bài học khiêm nhường phục vụ mà Chúa Giêsu dạy qua việc rửa chân quá rõ ràng không thể nào nhầm lẫn. Mẫu gương sống động như thế, lẽ nào các môn đệ không làm theo như chính Ngài đã căn dặn: “Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”?
Mời Bạn: Khi tham dự và suy niệm cử hành của ngày hôm nay, chúng ta được mời gọi sống như Chúa Giêsu đã sống và nêu gương cho chúng ta. Với Chúa Kitô, yêu thương đồng nghĩa với hiến thân phục vụ anh chị em mình cách khiêm tốn. Bạn đã làm gì để biến bài học yêu thương này trở thành những việc phục vụ cụ thể, trước tiên cho những người thân trong gia đình mình, và tiếp đến cho những người thân cận mà mình tiếp xúc mỗi ngày?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc phục vụ và làm lễ vật dâng Chúa khi tham dự thánh lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, cho con luôn sẵn lòng phục vụ tha nhân trong tinh thần vui tươi và khiêm tốn.
06/04/12 thứ sáu tuần thánh
Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Ga 18,1-19,42
yêu cho đến cùng
“Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống mà trao Thần Khí. (Ga 19,30)
Suy niệm: Đây là giờ Chúa phải nói lời từ biệt với những người thân thương nhất của Chúa – Mẹ Maria và Gioan – Chúa đã ban tặng hai người cho nhau. Còn Chúa, Chúa ở đây một mình để hiến thân làm của lễ dâng Cha và để cho lửa của Thần Khí thiêu đốt. Từ nay, trời và đất đã giao hòa; giao ước mới đã ký kết, được niêm ấn bằng máu của Đấng chịu đóng đinh. Chúa kêu lên một tiếng cuối cùng: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa, sao người bỏ con?” Nhưng ngay giây phút tuyệt đỉnh này, Chúa Cha vẫn ở đấy, Người hiện diện.
Chúa gục đầu xuống và thiếp đi trong tay Người. Lúc Chúa đi vào cõi chết, thì đấy cũng là lúc, đấy cũng là giờ mà Chúa thức dậy cạnh Cha. (Đức Hồng Y Godfried).
Mời Bạn ý thức cái chết của Chúa Giêsu không phải chỉ liên quan đến một người, hay một dân tộc nhưng mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm trước cái chết của Chúa. Thật vậy, chúng ta đừng ngồi đó nguyền rủa xã hội sa đọa, thế giới hỗn loạn, mà phải đấm ngực chính tội lỗi chúng ta đã đóng đinh Chúa hằng ngày.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy kín múc dòng ân sủng MÁU và NƯỚC chảy ra từ cạnh sườn Chúa. Đó là các bí tích Hòa Giải, Thánh Thể,... cách xứng đáng và sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cái chết của Chúa không phải là “một kết thúc” nhưng là “một hoàn tất”. Chúa đã chu toàn sứ mệnh Chúa Cha trao phó cách tuyệt hảo. Xin cho chúng con cũng biết chu toàn bổn phận của người Kitô hữu, dám hy sinh và hành động theo những đòi hỏi của Chúa cho dù phải đi vào con đường Thập Giá. Amen.
07/04/12 thứ bảy tuần thánh
Canh thức Vượt Qua Mc 16,1-8
tiếp nhận đời sống mới
“Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa.”(Mc 16,6)
Suy niệm: Sau ba tháng tập luyện ở trường bơi Bolles danh tiếng ở Florida (Mỹ) chuẩn bị cho thế vận hội sắp tới, đội tuyển bơi lội Việt Nam nay phải rời trường đi lang thang và thầy trò ta tập tành với nhau trong các hồ bơi hạng xoàng tại xứ người. Kinh phí tập huấn hàng tỉ đồng đem đổ biển cũng vì các huấn luyện viên nội cứ đeo bám học trò cũ của mình và can thiệp sâu vào chuyên môn của chuyên gia nước ngoài. Ta chưa học được bài từ bỏ nên phải “trả giá cho sự lạc hậu”! (x. Tuổi Trẻ 19.3.2012, tr. 14).
Khi ngôi mộ đã an táng Chúa Giêsu trở thành ngôi mộ trống cũng là lúc các môn đệ Chúa Giêsu phải làm trống rỗng tâm hồn mình để tiếp nhận và sống với sự kiện Chúa đã sống lại. Nếu họ cứ cố thủ với những ý nghĩ về Chúa của họ trước đây, họ sẽ trở thành người lạc hậu và mầu nhiệm phục sinh không còn ý nghĩa gì với họ.
Mời Bạn: Chúa phục sinh muốn chiếm hữu trọn vẹn con người bất toàn tội lỗi, lo sợ của ta để biến đổi nên những con người mới. Ngài muốn ban cho ta ánh sáng chân lý, niềm hạnh phúc và tự do trong Thánh Thần. Chúng ta có sẵn sàng để từ bỏ con người cũ, ích kỷ nhỏ nhen để mặc lấy người mới không?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi làm một vài hy sinh trong lời nói, trong việc ăn uống… để sống tinh thần con người mới.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin phó dâng trọn thân con cho Chúa. Con muốn lắng nghe lời Chúa để tiếp nhận sự khôn ngoan của Chúa. Xin Chúa đổ vào tim con tràn đầy tình yêu Chúa để từng ngày con được biến đổi nên giống Chúa và luôn bước đi trong đường lối của Ngài. Amen.
08/04/12 chúa nhật phục sinh
Ga 20,1-9
tình yêu biến đổi
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (Ga 20,1)
Suy niệm: Bà Maria Mácđala chỉ chờ vừa hết ngày Sabát, mới sáng sớm, “lúc trời còn tối” là đã tất tả đi mua dầu thơm, chạy ra mộ để “ướp xác Chúa” (Mc 16,1). Thế mà, thật bàng hoàng, ngôi mộ trống hoang, xác Thầy đã biến đâu mất. Bà chỉ còn biết khóc. Chỉ có động lực tình yêu mãnh liệt mới lý giải được những việc làm và tâm trạng của bà Maria trong lúc này. Tình yêu Chúa đã giật bà ra khỏi bàn tay của “bảy quỉ” (Lc 8,2) và biến đổi bà khiến bà từ đấy chỉ sống vì tình yêu: vì yêu, bà đã đi theo Thầy Giêsu trong suốt con đường khổ nạn cách kiên trung đến tận dưới chân thập giá; và cũng nhờ tình yêu đó, bà đã được Chúa cho gặp Ngài ngay trong những giờ phút đầu tiên Ngài sống lại, và là người đầu tiên được Chúa sai đi loan tin mừng Ngài đã phục sinh.
Mời Bạn: Người môn đệ đích thực của Chúa Kitô là người gắn bó với Ngài bằng một tình yêu nồng nàn và nhờ đó xác tín chắc chắn rằng Ngài “đã chịu chết nhưng nay Ngài đang sống” (x. Cv 2,32; 25,19) như thế mới có đủ tư cách để làm chứng cho người khác rằng: “Tôi đã thấy Chúa.” Mời bạn tự vấn: Tôi cần làm gì để được Chúa biến đổi, trở nên người môn đệ đích thực của Ngài?
Chia sẻ: Bạn có thói quen hay cung cách sống sống nào làm lời chứng về Chúa Kitô Phục Sinh bị lu mờ không?
Sống Lời Chúa: Mạnh dạn sống theo những giá trị của Tin Mừng Làm chứng niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh.
Cầu nguyện: Xin Ánh sáng Phục Sinh của Chúa bao phủ cuộc đời con và chiếu soi vào những chỗ tăm tối trong tâm hồn, để con được biến đổi mỗi ngày.
09/04/12 thứ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS
Mt 28,8-15
NHỎ MÀ KHÔNG NHỎ
“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
Suy niệm: Đức Kitô Phục Sinh –một Tin Mừng trọng đại, thế mà chỉ được loan báo cho một nhóm nhỏ các phụ nữ. Cũng vậy, Đấng Cứu Thế sinh ra, một Niềm Vui cho toàn dân, vậy mà tin vui ấy chỉ được loan báo cho một nhóm nhỏ các mục đồng (x. Lc 2,8-14). ‘Nhóm nhỏ’ –Thánh Kinh gọi là ‘người nghèo của Thiên Chúa’ (anawim)– đó là cách hành động của Thiên Chúa. Quả thật Ngài thích thực hiện những công trình vĩ đại bắt đầu từ những gì bé nhỏ, nghèo hèn. Nước Trời như hạt cải bé nhỏ nhưng mọc lên thành cây lớn, chim trời có thể nương náu. Đức Kitô cũng đã sinh ra làm người nghèo khó và chọn con đường thập giá để cứu độ nhân loại. Đó là niềm xác tín mà thánh Phaolô chia sẻ: “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1,27).
Mời Bạn: Bạn có sợ không, khi thấy sứ mạng loan báo Tin Mừng thì cao cả, thế giới thì bao la mà mình thì quá bé nhỏ, yếu đuối? Sứ mạng cao cả đâu có phải vì bạn nhưng vì chính Đấng mà bạn được gọi để loan báo. Chúa trấn an các phụ nữ: “Chị em đừng sợ!” Bạn cũng thế, đừng sợ nhưng hãy vững tin và làm chứng với niềm xác tín của mình.
Chia sẻ: Điều gì giúp bạn xác tín rằng Chúa Kitô thực sự đã phục sinh?
Sống Lời Chúa: Trung thành suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để luôn xác tín vào Chúa Kitô Phục Sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa hành động trên nhóm nhỏ, nhưng sứ mạng của họ không hề nhỏ, vì họ phải đem Tin Mừng đến với toàn dân và mang ơn cứu độ đến tận cùng thế giới. Xin chọn con vào nhóm nhỏ của Chúa.
10/04/12 thứ ba tuần bát nhật ps
Ga 20,11-18
cha của thầy cũng là cha của anh em
“Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.” (Ga 20,17)
Suy niệm: Thập giá và cái chết của Chúa Giêsu không phải là một sự mất mát trong tuyệt vọng. Ngay khi chỗi dậy và ra khỏi mồ, thân xác phục sinh của Ngài không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa, ngay lập tức Ngài đã loan báo cho chúng ta tin vui mừng là “Ngài lên cùng Cha của Ngài.” Tin đó không chỉ vui cho riêng Ngài mà còn cho mỗi một người chúng ta, vì từ nay qua Ngài chúng ta được qui tụ trong Ngài bằng một mối tương quan mới: “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em.” Tin vui này đồng nghĩa với một niềm hy vọng không thế lực nào dập tắt được rằng chúng ta Chúa Giêsu Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, và một ngày kia chúng ta cũng được về đoàn tụ với Ngài.
Mời Bạn: Sống ở trần gian này là chúng ta đang hành trình trở về xum họp trong nhà Cha trên trời. Cuộc hành trình này tất yếu phải đi xuyên qua chông gai và thập giá. Chúa Giêsu, người Anh Cả của chúng ta đã đi qua con đường đó; tất nhiên một khi chúng ta muốn đi theo Ngài, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường mà Ngài đã đi qua.
Sống Lời Chúa: Tập đón nhận chông gai thập giá bằng cách nung nấu niềm hy vọng vào sự phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là đường dẫn chúng con về nhà Cha. Xin giúp chúng con vững niềm tin vào Chúa phục sinh, để chúng con vui tươi và dũng cảm vác thập giá hằng ngày để xứng đáng tới ngày được hợp hoan với Chúa.
11/04/12 thứ tư tuần bát nhật ps
Lc 24,13-35
điều chắc chắn hơn
“Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.” (Lc 24,31)
Suy niệm: Đối với hai môn đệ Emmau, việc Chúa chịu đóng đinh, chịu chết và được an táng, đó mới là chuyện chắc chắn mà mắt họ chứng kiến. Còn việc xác Ngài biến mất khỏi mồ rồi dựa vào đó mà truyền tai nhau rằng Chúa đã sống lại chẳng qua chỉ là tin đồn mà thôi. Giữa cái chắc chắn và tin đồn, hai môn đệ đã chọn cái họ cho là chắc chắn, một cái chắc chắn đưa họ đến thất vọng và trở về quê cũ. Chúa Kitô đã hiện đến đồng hành và chia sẻ nỗi lòng với họ, đã dùng lời Kinh Thánh soi sáng và nhất là dùng dấu chứng của Thánh Thể để kéo họ ra khỏi vũng lầy thất vọng. Mắt họ mở ra và họ nhận ra Chúa Phục Sinh, đó là điều chắc chắn hơn và họ nhanh nhẹn quay trở lại Giêrusalem hô to Tin Mừng Phục Sinh.
Mời Bạn: Có những cảnh sống mà ngày mai chỉ thấy tăm tối; có những gia đình mà nhìn quanh chỉ có đổ vỡ thay cho yêu thương; có những cuộc đời bị trói buộc trong bệnh hoạn tật nguyền; những điều đó đeo đẳng quay quắt trong cuộc sống hằng ngày khiến bạn tưởng rằng điều chắc chắn bạn phải đối đầu là những ngõ cụt của bất ổn, bất hoà, bất hạnh. Bạn hãy nhớ rằng có một điều chắc chắn hơn, đó là Đức Kitô đã phục sinh đem lại cho bạn niềm hy vọng cuộc sống hạnh phúc bất diệt.
Sống Lời Chúa: Kết hiệp với Chúa qua việc suy niệm Lời Chúa và rước Thánh Thể là bạn chọn lựa điều chắc chắn nhất; bạn sẽ không bao giờ thất vọng.
Cầu nguyện: Chúa vẫn hiện diện với chúng con trong bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con biết đến đồng bàn với Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể, để ngày sau chúng con cũng được đồng bàn với Ngài trong nhà Cha muôn đời. Amen.
12/04/12 thứ năm tuần bát nhật ps
Lc 24,35-48
bình an cho anh em
Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo : ‘Bình an cho anh em!’... Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này.” (Lc 24, 36.47-48)
Suy niệm: Lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh gửi tới các môn đệ là lời : “Bình an cho anh em!” Các môn đệ đang trải qua cơn khủng hoảng. Vì thế, lúc này là lúc các ông rất cần có bình an. Bình an là khát vọng thâm sâu của mọi người, mọi nơi mọi lúc. Không có bình an, không có hạnh phúc! Trong Thánh Lễ, lúc sắp rước Thánh Thể, chủ tế cầu xin cho cộng đoàn được bình an của Chúa và mọi người chúc bình an cho nhau. Có điều, bình an của Chúa không giống với bình an của thế gian. Đó là chính sự hiện diện của Chúa trong thâm sâu tâm hồn người môn đệ, sự bình an luôn kèm theo sứ mạng rao giảng cho muôn dân sám hối, làm chứng cho họ về Đức Ki-tô Phục Sinh. Sự bình an của Chúa kèm theo sứ mạng này không chước miễn, mà gắn liền với những gian khổ, thử thách, ngục tù, chết chóc... như bao cuộc đời của các môn đệ Chúa suốt hai ngàn năm nay.
Mời Bạn: Tôi tìm kiếm bình an của Chúa hay bằng lòng với sự bình an của thế gian? Để cảm nếm được bình an của Chúa, chúng ta không được phép dừng lại với sự bình an của thế gian.
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy có một cử chỉ ‘đi ra khỏi sự ổn định’ của mình, chẳng hạn dành thời giờ, tiền bạc chia sẻ cho ai đó cần – như một hành vi rao giảng Tin Mừng cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ở lại với con và ban cho con bình an của Chúa. Amen.
13/04/12 thứ sáu tuần bát nhật ps
Ga 21,1-14
việc to không bỏ, việc nhỏ không quên
“Này các chú, không có gì ăn ư?” (Ga 21,5)
Suy niệm: Chúa Giêsu hiện đến với họ với dáng dấp thật đơn sơ: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các môn đệ chưa từng quen với tình huống mới mẻ này; bởi vì gặp một con người đã chết nay hiện đến hoàn toàn như một người đang sống là một việc từ xưa đến nay chưa từng có. Thế nhưng qua lời nói mà họ đã từng nghe: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền,” và trước kết quả là “lưới đầy cá,” các môn đệ nhận ra đúng là Ngài: con người mà họ đã gặp bên Biển Hồ Tibêria, đã chung sống suốt ba năm qua mà họ tưởng là đã chết với con người này chỉ là một, vẫn gần gũi, thân mật quan tâm chu đáo như thuở ban đầu. Thật là một Thiên Chúa mà việc lớn không bỏ, việc nhỏ không quên! Điều đáng nói nữa là người mau mắn nhận ra điều đó chính là “người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến”.
Mời Bạn: Đức Kitô Phục Sinh luôn có mặt trong đời bạn: trong bữa cơm thanh đạm của gia đình bạn. Ngài hiện diện nơi sở làm, trên nương rẫy, trong lớp học,… và nơi mọi sinh hoạt thầm lặng không tên của bạn. Để nhận ra sự hiện diện ẩn mình của Ngài, chỉ cần bạn có con mắt đức tin và tình yêu.
Sống Lời Chúa: Với một lời nguyện tắt bạn dâng Chúa công việc mình sắp làm để nhắc mình nhớ Ngài vẫn luôn có mặt và cùng làm với bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xưa kia khi các môn đệ đang chìm trong tuyệt vọng thì Chúa đã đến bên họ ân cần quan tâm đến cả những nhu cầu trong đời sống thường ngày của họ. Xin cho con luôn xác tín rằng trong mọi sinh hoạt cuộc sống đời thường của con, Chúa chẳng bao giờ lìa xa con.
14/04/12 thứ bảy tuần bát nhật ps
Mc 16,9-15
chia sẻ tin mừng phục sinh
Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người chỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,14-15)
Suy niệm: Những người được diễm phúc thấy Đức Giêsu phục sinh thuộc ba nhóm khác nhau: Maria Mácđala và các phụ nữ theo Chúa, hai môn đệ thuộc nhóm 72 môn đệ và nhóm 12 tông đồ.
Nhưng họ cũng có một điểm chung: tất cả đã theo Chúa, đã ở với Ngài, đã nghe lời Ngài giảng, thấy các việc kỳ diệu Ngài làm, đặt nhiều hy vọng nơi Ngài cũng như đã từng thất vọng trước cái chết của Ngài. Chúa Kitô phục sinh hiện đến để cho họ thấy Đấng phục sinh hôm nay cũng chính là vị Thầy của họ hôm qua, Ngài không phải là một Đức Kitô khác, nhưng là một Đức Kitô đã đổi khác.
Mời Bạn: Hãy nhớ lời căn dặn của Đức Kitô phục sinh: rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bạn hãy làm như những người được gặp Đức Kitô phục sinh: loan đi, kể lại cho người khác niềm vui này, như chị Maria Mácđala, như hai môn đệ Emmau … Niềm vui phục sinh không thể là niềm vui riêng của bạn.
Sống Lời Chúa: Bạn sẵn sàng chia sẻ một đồ dùng, một món tiền với người đang gặp cảnh khó khăn, chia sẻ một niềm vui với một người đang ưu sầu. Tiếp đến bạn sẽ có thể chia sẻ niềm vui được có Chúa Phục sinh trong đời bạn với những ai thành tâm thiện chí.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Kitô phục sinh, xin cho con hiểu rằng chúng con không được ích kỷ giữ Tin Mừng Phục sinh riêng cho mình, nhưng phải loan báo, chia sẻ niềm vui ấy cho người chung quanh.
15/04/12 chúa nhật tuần 2 ps – b
Kính Lòng Chúa Thương Xót Ga 20,19-31
vì tin nên thấy
Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,28-29)
Suy niệm: Ta hay nói: cứng lòng tin như Tôma. Thật là oan cho ông Tôma! Bởi vì các tông đồ khác cũng chẳng hơn gì: Các ông cũng được xem tay và cạnh sườn Chúa (x. Ga 20,20) mà có ông còn sợ tưởng mình thấy ma (x. Lc 24,37). Trái lại, phải cám ơn Tôma, vì nhờ ông mà ta hiểu rằng tin vào Đức Kitô phục sinh không phải là điều dễ dàng chút nào. Ít ra cũng có người tỉnh táo như ông: đòi mắt phải thấy, tay phải đụng chạm vào các lỗ đinh của Đức Giêsu thì mới chịu tin. Nhờ đó, ta thấy niềm tin vào sự kiện Chúa phục sinh là có cơ sở, đáng tin cậy bởi vì chính cá nhân ông đã kiểm chứng. Thế mà niềm tin của ta lại dựa vào những chứng nhân như ông.
Mời Bạn củng cố niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, niềm tin quan trọng nhất của cuộc đời người Kitô hữu. Tôma đòi thấy mới tin, còn bạn, vì tin nên thấy: vì tin Đức Giêsu phục sinh nên thấy Người đang sống giữa nhân loại, đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, đang hiện thân nơi những người anh em, chị em chung quanh.
Sống Lời Chúa: 1. Ý thức Chúa Kitô phục sinh đang sống với tôi, đang yêu mến nhìn tôi và giúp tôi sống Tin mừng Phục sinh trong đời thường của mình. 2. Mỗi ngày làm một nghĩa cử bác ái như một hành động loan báo Tin Mừng Phục sinh cho một người lân cận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa nói với chúng con: “Phúc thay những ai không thấy mà tin”. Xin cho chúng con tin, dù không thấy Chúa, và vì tin, nên nhìn thấy Chúa đang hiện diện, đang thi ân giáng phúc cho chúng con. Amen.
16/04/12 thứ hai tuần 2 ps
Ga 3,1-8
vượt qua những thói quen
“Tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” (Ga 3,3)
Suy niệm: Thời nay vẫn có quá nhiều người chết trẻ: những bệnh nhi ung thư; những bệnh nhân HIV-AIDS đa số là những người trẻ; cũng phải kể đến tai nạn giao thông cướp đi biết bao sinh mạng. Thủ phạm của những cuộc “tàn sát” ấy là những thứ đầu độc con người, đến từ môi trường, thực phẩm và kể cả những cung cách sống đang tràn lan trong xã hội. Nhưng quá nhiều người “quen thuộc” các thứ độc hại ấy. Những “thói quen” chết người như thế cũng len lỏi trong lĩnh vực đức tin. Nicôđêmô vốn quen với nếp nghĩ của mình không kịp mở lòng đón nhận sự tác động từ Thiên Chúa để được ơn sinh lại làm con cái Chúa nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Charles H. Spurgeon nhận xét: “Đức tin bước lên những nấc thang tình yêu để tiến tới chân trời hy vọng đã mở ra,” người ta chỉ thuộc về Nước Thiên Chúa một khi họ mở lòng dấn bước về phía Đức Kitô và đón nhận Ngài cùng Thánh Thần của Ngài đang mở ra cho họ.
Mời Bạn: Mỗi ngày là một cơ hội Chúa mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận Đức Kitô cách sâu xa hơn. Những thói quen nào đang níu kéo khiến bạn không thể tiến bước sâu trong đức tin? Những thói quen đó có thể làm chết dần mòn đức tin của chúng ta đấy bạn.
Chia sẻ: Ngày nay, thói quen nào đang gây nguy hại nhiều nhất cho đức tin?
Sống Lời Chúa: Dành 5 phút mỗi ngày cầu nguyện với Lời Chúa và xin Chúa ban thêm đức tin.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết gìn giữ đức tin và ngày càng sống tình thân với Chúa hơn.
17/04/12 thứ ba tuần 2 ps
Ga 3,7b-15
thập giá sinh ơn cứu độ
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,15)
Suy niệm: Để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại mà Chúa Cha đã trao phó, Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết đau thương. Tựa như con rắn đồng bị treo trên cây cột, Đức Giêsu cũng chịu treo trên cây thập giá. Và cũng như con rắn đồng là nguồn sự sống cho người bị rắn cắn, ai nhìn lên Đức Giêsu với lòng tin tưởng sẽ được sống đời đời. Như vậy, nhờ cuộc Khổ nạn-Phục sinh của Ngài, con người được trở nên con cái thân thiết của Thiên Chúa, được sống muôn đời. Mẫu gương của Đức Giêsu chịu treo trên thập giá thúc đẩy “ai muốn theo Chúa, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo.” Như vậy, thập giá đã trở thành một điều kiện cần để Chúa ban sự sống thần linh cho những ai muốn theo Ngài, đồng thời thập giá cũng trở thành điều kiện đủ cho những ai muốn theo Ngài.
Mời Bạn: Thập giá chính là những đau khổ, thử thách, khó khăn của cuộc sống và cũng có thể là chướng ngại vật ngăn cản, đe dọa lòng tin yêu của chúng ta đối với Chúa. Bạn đã có thái độ đức tin nào trước những thập giá cuộc đời?
Chia sẻ: Những lúc gặp đau khổ, bạn có nhìn lên Đức Giêsu trên thập giá để nhận ra Chúa đang đồng hành với bạn trong mọi cảnh huống cuộc đời không?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ phó thác những thập giá của cuộc đời và những lung lay trong niềm tin trong tay Chúa Cha qua việc chiêm ngắm thập giá Đức Giêsu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng quan phòng, Chúa biết rõ những điều gì tốt lành cho chúng con. Xin giúp chúng con vượt mọi thử thách trong niềm cậy trông và tin tưởng hoàn toàn. Amen.
18/04/12 THỨ TƯ TUầN 2 PS
Ga 3,16-21
ngài là ánh sáng TÌNH YÊU
“Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian… để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ .”(Ga 3,17)
Suy niệm: Trên đời có nhiều thứ bóng tối còn tối hơn cả.. đêm ba mươi: bóng tối của nghi ngờ, bóng tối của tuyệt vọng, bóng tối của sự chết... Đức Giêsu là ánh sáng đến trần gian đưa ta khỏi tình trạng đoán mò về chân tướng của Thiên Chúa. Ngài cứu vớt ta khỏi tình trạng bi quan, thất vọng về thân phận tội lỗi. Ngài giải thoát ta khỏi nỗi sợ về bóng tối sự chết vì từ nay sự chết của Ngài là cửa dẫn ta đến sự sống vĩnh cửu: “Sự sống lại của Đức Giêsu là một sự tuôn trào của Ánh Sáng. Cái chết bị chinh phục, cửa mồ bị mở toang. Đấng Phục Sinh chính là Ánh Sáng, Ánh Sáng của trần gian. Với sự sống lại, ngày của Thiên Chúa bước vào những đêm tối của lịch sử. Ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa khắp thế gian… Chỉ có Ánh Sáng này, Chúa Giêsu Kitô, là ánh sáng thật” (Đức Bênêđitô 16).
Mời Bạn: Nhiều lúc bạn thích ẩn mình trong bóng tối vì bạn cảm thấy yên hàn khi sống trong bóng đêm của tội, của những ý nghĩ, dự định đen tối. Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn quy chiếu cuộc sống mình vào Đức Kitô, để nhờ ánh sáng phục sinh của Ngài “thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,21).
Sống Lời Chúa: Ngày này qua ngày khác, tôi sẽ cố gắng duy trì và lập lại niềm tin nơi Đức Giêsu, Đấng cứu chuộc nhân loại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật không dễ dàng để dứt ra khỏi tình trạng “tăm tối” của mình. Xin ban cho chúng con tình yêu và nghị lực, để khi nhận ra ánh sáng của đức tin và sự thật, chúng con mạnh dạn tiến bước và trở về với Chúa. Amen.
19/04/12 thứ năm tuần 2 ps
Ga 3,31-36
ngưỡng vọng trời cao
“Đấng từ trời cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất.” (Ga 3,31)
Suy niệm: Với những người quá thực dụng, cuộc đời họ xoay quanh bốn động từ: “làm, ăn, chơi, ngủ.” Trái lại, tầm nhìn của người Kitô hữu không chỉ dừng lại những điều dưới đất, trước mặt, nhưng còn phóng xa đến những điều trên trời. Đức Giêsu, Đấng từ trời cao mà đến, đã kể lại cho họ những điều chính Ngài đã biết, đã thấy và đã nghe. Chỉ mình Ngài mới có thể nói chính xác cho ta biết về Chúa Cha và đời sống trên thiên đàng. Đây thật sự là Tin Mừng cho chúng ta vì qua lời chứng của Đức Giêsu, chúng ta được hạnh phúc có Chúa là Cha yêu thương, luôn quan tâm chăm sóc, và muốn ta cũng được vui hưởng hạnh phúc muôn đời với Ngài: “Ai tin vào Ta thì được sự sống đời đời.”
Mời Bạn: Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế, khi sống trong tình yêu thân thiết với Thiên Chúa và với những người thân cận, bạn đang thuộc về trời cao, đang cảm nghiệm phần nào hạnh phúc của thiên đàng. “Muốn nhìn đúng phải nhìn bằng trái tim - mắt thường làm sao thấy được những điều vô hình” (St. Exupéry). Nhờ quả tim yêu thương, bạn sẽ nhận ra, “nhìn thấy” Thiên Chúa đang hiện diện trong đời bạn và lòng bạn sẽ tràn ngập hạnh phúc của người đang được yêu mến.
Sống Lời Chúa: Suy gẫm và cầu nguyện theo mầu nhiệm thứ hai của Năm Sự Mừng: “Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã kể cho con những sự trên trời; Chúa còn dạy chúng con phương cách về trời nữa, là hãy tin Chúa. Xin cho chúng con luôn hướng về và ái mộ những sự trên trời. Amen.
20/04/12 thứ sáu tuần 2 ps
Ga 6,1-15
phép lạ khi biết sẻ chia
“Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Đức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” (Ga 6,9-10)
Suy niệm: Khi nạn hạn hán hoành hành khắp xứ Palestin, ngôn sứ Êlia xin một bà góa ở thành Xarépta ít nước uống, bà sẵn sàng cho. Thế nhưng, khi ông xin thức ăn, bà ngần ngại vì chỉ còn rất ít bột, chỉ đủ ăn lần cuối rồi chết. Ngôn sứ quả quyết nếu bà làm một cái bánh cho ông trước, rồi làm cho bà và con bà sau, thì hũ bột và dầu trong nhà sẽ không bao giờ cạn. Bà làm đúng như vậy, và phép lạ đã xảy ra vì bà biết sẻ chia phần lương thực cuối cùng của mình (1V 17,1-15). Hôm nay nhờ lòng quảng đại sẻ chia năm chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé, Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi sống không phải một vài người, nhưng cả đám đông được ăn no nê.
Mời Bạn: Phép lạ vẫn đang diễn ra hằng ngày, nhưng để phép lạ có thể xảy ra, Chúa cần chúng ta đóng góp vào đó tấm lòng quảng đại, sẵn sàng sẻ chia một miếng bánh nhỏ dù mình đang túng đói, hay một lời nói thứ tha dù cơn giận đang bùng lên. Bạn hãy sẻ chia một chút vật chất cho một người nghèo túng hơn bạn, vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no.” Hãy chia sẻ một chút tha thứ, thì gia đình, cộng đoàn sẽ được hiệp nhất yêu thương bền lâu. Hãy sẻ chia tấm bánh cuộc đời bạn để muôn người được ấm no và đầy tình người.
Sống Lời Chúa: “Cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20,35).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một tấm lòng quảng đại để biết cho đi mà không mong đợi đền đáp, hầu cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trong cuộc sống mình. Amen.
21/04/12 thứ BẢY TUẦN 2 PS
Th. Ansenmô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh Ga 6,16-21
tiếp thêm niềm tin
…Biển động vì gió thổi mạnh… Các ông hoảng sợ. Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ !” (Ga 6,18-20)
Suy niệm: Dấu lạ Chúa Giêsu hóa nước thành rượu tại Cana, chữa người đau ốm 38 năm ở hồ Bếtdatha, hóa bánh ra nhiều... vẫn chưa đủ sức thuyết phục các môn đệ tin vào Ngài. Vì thế, khi “Chúa Giêsu đi trên mặt biển” đến thuyền các ông, các ông đ “hoảng sợ,” thay vì nhận ra ngay đó là Chúa. Tin nằm ở một trật tự khác với thấy. Có người phải thấy mới tin, nhưng tự bản chất, tin không đòi hỏi phải thấy mà trước hết là một hành vi nội tâm, một ơn ban vô điều kiện của Thiên Chúa. Bao lâu chưa đạt tới tầm vóc này, Chúa vẫn có thể thực hiện một số dấu lạ để tiếp thêm lòng tin của con người. Đó là điều Ngài đã làm cho các môn đệ hôm nay.
Mời Bạn: Có khi nào ta đòi dấu lạ để tin chưa? Thật ra khi ta đòi điều kiện, Chúa có thể sẽ đáp ứng, nhưng cứ đòi mãi thì còn gì là tin, bởi đức tin là sáng kiến của chính Thiên Chúa. Tin vào sáng kiến không thể sai lầm của Ngài chính là hành vi của đức tin vậy.
Chia sẻ: Hiện tại đức tin của ông, bà, anh, chị… hệ tại điều gì? Ơn Chúa ta nhận được, thử thách ta vượt qua, tình yêu ta cảm nhận hay còn phải đợi chờ dấu lạ của Chúa?
Sống Lời Chúa: Giữa cơn khủng hoảng đang làm chao đảo con thuyền Hội Thánh, mỗi tín hữu hãy nhớ lại Lời Chúa hôm nay: “Thầy đây, đừng sợ!”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin tiếp thêm sức mạnh cho chúng con, giúp chúng con vững tin vào những việc Chúa đang làm, nhất là trong những hoàn cảnh éo le của cuộc đời. Xin cho chúng con nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện với chúng con, bảo đảm cho sự trợ giúp của Chúa. Amen.
22/04/12 chúa nhật tuần 3 ps – b
Lc 24,35-48
phục sinh niềm tin
“Sao anh em lại hoảng hốt?” (Lc 24,38)
Suy niệm: Đây là lần thứ nhất Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, sau khi từ cõi chết sống lại. Phản ứng của các ông là kinh hãi, “tưởng là ma.” Mặc dù Chúa minh chứng bằng các dấu đinh ở chân tay, nhưng các ông vẫn không tin. Chúa lại ăn một khúc cá nướng để các ông thấy mà tin. Rồi Chúa vận dụng Kinh Thánh để minh chứng sự phục sinh của Ngài. Như vậy, Chúa dùng mọi cách để củng cố đức tin cho các tông đồ. Ta không vội phiền trách sự kém tin của các ông. Đúng hơn phải cảm ơn các tông đồ, vì từ chỗ không tin, các vị đã tin vững vàng, đến mức dám chết để minh chứng đức tin. Nhờ sự kém tin của các tông đồ mà hôm nay chúng ta được vững tin. Niềm tin của Hội Thánh và của chúng ta đặt trên niềm tin của các tông đồ khi xưa.
Mời Bạn: Đức Thánh Cha Biển Đức đã quyết định mở “Năm Đức Tin” cho toàn Giáo Hội từ 11/10/2012 đến 24/11/2013, nhằm "khôi phục lại sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này, và cung cấp cho người ta con đường đi đến đức tin, giúp họ có thể phó thác cho Thiên Chúa là Đấng đã yêu chúng ta đến cùng trong Chúa Giêsu Kitô." Bạn hãy hưởng ứng Năm Đức Tin này để canh tân và đào sâu đức tin của bạn.
Sống Lời Chúa: Khi gặp một tình huống gay go về niềm tin, tôi sẽ tìm lời giải đáp trong Tin Mừng, noi gương các thánh tử đạo Việt Nam.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, “xưa Chúa đã ban cho các ngài được vững tin vào Lời Chúa, và đầy sức mạnh của Thánh Thần, nên các ngài đã kiên tâm chịu gian lao đau khổ, quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường Thập Giá và hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Amen.”
(Kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam)
23/04/12 thứ hai tuần 3 ps
Th. Giócgiô, tử đạo Cv 6,8-15
làm chứng cho sự thật
Có những người thuộc hội đường xúi mấy người phao lên rằng: “Chúng tôi đã nghe hắn (Têphanô) nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa”… “Tên này không ngừng nói lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giêsu người Nadarét sẽ phá hủy nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Môsê đã truyền lại cho chúng ta.” (Cv 6,11-12)
Suy niệm: Người Do Thái vu cáo Têphanô cùng một tội như đã gán cho Chúa Giêsu: “Xúc phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa”. Với tội này, họ đã lên án và ném đá ông tới chết, như họ đã từng lên án và giết chết Chúa Giêsu. Số phận của người môn đệ trung thành của Chúa không khác số phận của Thầy mình: bị chống đối, bị ghét bỏ, bị vu oan và bị loại khỏi đời sống xã hội.
Mời Bạn: Người môn đệ của Chúa là người dám nói sự thật về Thiên Chúa. Cho dù bị chống đối, bị khích bác và bị hãm hại, người môn đệ Chúa vẫn cứ nói Lời của Chúa, vẫn yêu như Chúa yêu và vẫn sống như Chúa đã dạy và sống để làm chứng cho Sự Thật. Bạn dám làm chứng cho Chúa theo tinh thần của Têphanô không?
Chia sẻ: Nói thật lắm khi bị “thiệt thòi,” dù vậy chúng ta vẫn cần có can đảm nói thật, sống thật. Mời bạn chia sẻ một kinh nghiệm về việc này.
Sống Lời Chúa: Nhớ lời Chúa Giêsu trong ngày sống hôm nay: “Thầy là Đường đi, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, vì yếu đuối và vì những mối lợi trước mắt, nhiều khi chúng con không dám nói thật và sống thật. Xin Chúa giúp chúng con can đảm sống và nói thật trong cuộc sống để trở nên là những nhân chứng cho Sự Thật là chính Chúa.
24/04/12 thứ ba tuần 3 ps
Th. Phiđen Díchmaringân, linh mục, tử đạo Ga 6,30-35
có thứ bánh trường sinh
“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35)
Suy niệm: Thế giới quảng cáo ngày nay không ngại dùng những từ cường điệu nhất để đề cao chất lượng sản phẩm của mình. Song chẳng có hãng bánh nào dám quảng cáo bánh của mình là bánh trường sinh. Ở đây, Đức Giêsu tuyên bố rõ rằng Người là bánh trường sinh! Điều mà không ai dám mơ, lại hoàn toàn có thật! Đám đông dân chúng lặn lội vượt Biển Hồ, tuốn đến với Đức Giêsu, không phải vì tìm Người cho bằng tìm... bánh! (hôm qua Chúa mới cho trên 5000 người ăn bánh no nê, còn dư 12 thúng đầy). Hôm nay Chúa không hóa bánh ra nhiều cho họ nữa, thay vào đó, Người tiết lộ rằng chính Người là Bánh trường sinh. Như một trò chơi lớn đi tìm mật thư, họ được dẫn đi từ thứ bánh thông thường (nhu cầu mà họ cảm nghiệm rất rõ, rất quen thuộc) đến thứ bánh có một không hai: bánh trường sinh (là nhu cầu thâm sâu nhất nơi mỗi người, song cũng rất thường bị thờ ơ).
Mời Bạn: Trong khi cố gắng đáp ứng những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đừng lãng quên tìm kiếm sự sống tâm linh, sự sống vĩnh cửu, đó mới là nhu cầu quan trọng số một.
Chia sẻ: Chúa Giêsu là bánh trường sinh; theo bạn, đâu là thái độ hưởng ứng thích đáng nhất đối với sứ điệp này ?
Sống Lời Chúa: Hôm nay, trước mỗi bữa ăn, bạn xin Chúa cho mình biết đói khát bánh trường sinh của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu thương, Chúa đã trở thành tấm bánh cho con. Xin cho con biết khát khao đón nhận Chúa, và đến lượt con trở thành tấm bánh cho đời. Amen.
25/04/12 thứ tư tuần 3 ps
Th. Máccô, tác giả sách Tin Mừng Mc 16,15-20
khởi sự việc loan báo
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: “Người lính Do Thái phải tìm hiểu và yêu thương quê hương của mình bằng hai bàn chân” (B. Gourion). Cha Ngô Phúc Hậu đã chia sẻ người tín hữu phải bắt đầu truyền giáo bằng việc ra đi. Ngày nay họ có thể “đi” bằng phương tiện truyền thông xã hội (báo chí, internet…), nhưng cũng phải đi bằng thân xác thể lý, để có thể hiện diện, đối thoại, gặp gỡ anh em lương dân. Muốn truyền giáo hữu hiệu thì phải “mặt đối mặt, lời trao lời mới nảy ra tình yêu.” Truyền giáo mà thiếu quả tim yêu thương thì không thể truyền giáo thật sự được. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc nhở nhiệm vụ số một của mọi tín hữu là đi khắp thế giới để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người.
Mời Bạn: Muốn đi bằng chân hay thân xác thể lý thì trước hết bạn phải ra khỏi cái tôi chật hẹp của mình, bớt những bận tâm về bản thân, sở thích, thói quen, lợi lộc của mình, để toàn tâm toàn trí thực thi mệnh lệnh của Đức Giêsu. Bạn chỉ có thể đi đến với anh em lương dân khi nào lòng bạn yêu mến Đức Giêsu cũng như quan tâm đến phần rỗi của những người chưa biết Chúa.
Chia sẻ: Bạn nghĩ gì về tình trạng người Công giáo Việt Nam chưa quan tâm đến nhiệm vụ loan báo Tin Mừng?
Sống Lời Chúa: Trong mùa Phục Sinh này, tôi sẽ tập thói quen viếng thăm nhà những người lương dân lân cận, để khởi sự việc loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng. Từ hôm nay xin cho chúng con biết khởi sự bằng việc quan tâm thăm viếng những gia đình lương dân kế cận mình. Amen.
26/04/12 thứ năm tuần 3 ps
Ga 6,44-51
chúa giêsu là bánh bởi trời
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,51)
Suy niệm: Ăn uống để sống là chuyện không có gì để bàn cãi. Nhưng ăn gì uống gì để sống đời đời mới phát sinh nhiều phản ứng trái chiều. Thật vậy, khi Chúa Giêsu nói “bánh hằng sống từ trời” là thịt máu Ngài, “ai ăn sẽ được sống muôn đời” thì không ít người, kể cả các môn đệ của Ngài, bị “’sốc” và bỏ đi vì những lời “chướng tai, không thể nghe nổi” đó. Mà chỉ có những ai được Chúa Cha “lôi kéo,” hay nói cách khác, biết “nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha” với lòng tin, mới có thể “ở lại” và tuyên xưng: “Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Mời Bạn: Ăn để sống, không phải sống để ăn đã trở thành chân lý trong văn hoá ứng xử của con người. Trong đời sống thiêng liêng việc “ăn và uống” Mình và Máu Thánh Chúa cũng là nhu cầu cần thiết để người tín hữu sống đời đời ngay khi ở đời này và còn đạt đến sự sống ở đời sau nữa.
Chia sẻ: Cuộc đời mỗi người cho là dài lắm bất quá chỉ hơn kém trăm năm, thế mà hằng ngày ta phải bận bịu, tảo tần để kiếm của ăn nuôi sống. Thế sao ta không thể dành ít là 5 phút mỗi ngày để đến với “Lời ban sự sống đời đời”? Sao ta không thể dành ít là một tiếng đồng hồ mỗi tuần để tham dự Thánh Lễ để lãnh nhận Bánh Hằng Sống để được sống muôn đời? Bạn hãy nghĩ lại xem!
Sống Lời Chúa: Chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để rước Thánh Thể mỗi khi tham dự thánh lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì yêu con Chúa đã trở thành Bánh để cho con ăn và được sống đời đời. Con xin cảm tạ Chúa. Xin đừng để con nghi ngờ tình yêu của Chúa trong Phép Thánh Thể.
27/04/12 THỨ SÁU tuần 3 PS
Ga 6,52-59
THẦN LƯƠNG NUÔI SỐNG
“Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở trong tôi và tôi ở trong người ấy.” (Ga 6,56)
Suy niệm: Điều người Do thái tranh luận sôi nổi trước đây cũng là đề tài nóng bỏng cho ngày hôm nay. Tại sao Chúa Giêsu lại muốn chúng ta ăn thịt và uống máu Ngài như thế? Liệu còn cách nào mạnh mẽ hơn để diễn tả tình yêu của Ngài dành cho con người không? Hẳn là không. Vì quá yêu nhau mà đôi tình nhân uống máu thề nguyền mãi mãi với nhau. Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa, ai ăn thịt và uống máu Ngài thì ở lại trong Ngài và như Ngài đã sống nhờ Cha thế nào thì kẻ ăn Ngài cũng sẽ nhờ Ngài mà được sống như vậy. Sức sống thần linh nối kết con người với Chúa Giêsu và Chúa Cha nhờ việc rước Mình Thánh Ngài. Sáng kiến ấy chỉ có Tình Yêu của Thiên Chúa mới có thể đưa ra và thực hiện được.
Mời Bạn: Mỗi lần Mình Thánh Chúa tan dần và trở nên thịt máu bạn, cũng là lúc Chúa đang sống trong bạn, hoạt động trong bạn. Đúng như thánh Phaolô nói: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Thế nên cuộc sống của bạn phải là hình ảnh sống động của Ngài trong thế giới hôm nay. “Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác anh em” (1Cr 6,20).
Chia sẻ: Chúa sống trong bạn, vậy bạn có chia sẻ tình yêu của Ngài cách cụ thể cho những người khác không?
Sống Lời Chúa: Rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ, và thường xuyên hướng về Chúa và rước lễ thiêng liêng những lúc thinh lặng trong giờ nghỉ giữa ngày.
Cầu nguyện: Xin cho con mãi là hình ảnh sống động của Chúa, để qua con ngày càng có nhiều người nhận biết Chúa hơn.
28/04/12 thứ bảy tuần 3 ps
Th. Phêrô Chanen, linh mục, tử đạo Ga 6,51.60-69
sự thật của tình yêu
Đức Giê-su nói: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.”... Nhiều môn đệ Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe cho nổi.” (Ga 6,51.60)
Suy niệm: Những lời của Chúa Giêsu thực sự gây sốc không chỉ đối với dân chúng: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” mà còn với các môn đệ bấy lâu nay vẫn đi theo Ngài: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi.” Thậm chí có người còn bỏ Thầy mà đi. Thế mà Ngài không rút lời cũng không giữ các ông ấy lại, bởi vì đây chỉ có cách đó Ngài mới có thể yêu chúng ta bằng một tình yêu gắn bó keo sơn, mặn nồng ngàn lần hơn cả tình nghĩa phu thê. Dẫu lời ấy vẫn ‘chướng tai’ cho cả con người thời nay, Chúa vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta qua hồng ân Thánh Thể cho đến ngày chúng ta được kết hợp với Ngài trên Thiên Đàng.
Mời Bạn: Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu khi viết về lần đầu mình được Rước lễ đã diễn tả cảm nghiệm của mình như được đón nhận cái hôn của Chúa Giê-su trên môi con. Bạn và tôi đã nhiều lần lãnh nhận Mình Thánh Chúa; có lẽ chúng ta không bị sốc như một số môn đệ ngày xưa, nhưng xác tín hoàn toàn vào mầu nhiệm Tình Yêu này thì có lẽ chưa. Mời bạn năng lãnh nhận và suy niệm Bí tích Tình Yêu này để thêm xác tín và để sống cảm nghiệm ngọt ngào như thánh nữ Têrêxa.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên rước lễ thiêng liêng và dành thời gian trong ngày để trò chuyện thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã cho nhân loại Thần Lương, để nhân loại được sống đời đời. Xin cho con siêng năng lãnh nhận lương thần của Chúa. Amen.
29/04/12 chúa nhật tuần 4 ps – b
Ngày Thế giới cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu Ga 10,11-18
chủ chiên và chiên biết nhau
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,14-15)
Suy niệm: Trong Cựu Ước hình ảnh con chiên được dùng với những ý nghĩa phong phú. Mối quan hệ chủ chiên và chiên không dựa trên giá trị kinh tế nhưng là một mối quan hệ rất thân tình như cha với con (x. 2Sm 12,2-3). Thiên Chúa ví mình như một chủ chiên tốt, luôn chăm lo cho đoàn chiên của mình:“Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta… Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh…” (Ed. 34,15-16). Chúa Giê-su còn sánh ví mạnh mẽ hơn: Người mục tử tốt lành dám liều mạng sống vì đoàn chiên. Và giữa chủ chiên và đoàn chiên có quan hệ thân tình hai chiều: “Tôi biết chiên tôi, và chiên tôi biết tôi.”
Mời Bạn: Chúa biết tôi sâu xa đến mức Người hiến mạng sống để trở nên một với tôi, đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể. Tôi có cảm nhận được mối thâm tình Chúa Giê-su dành cho tôi chưa? Phần tôi, tôi “biết” Chúa đến mức nào? Tôi xét lại thái độ của mình đối với Bí tích Thánh Thể: tha thiết yêu mến hay thờ ơ lạnh nhạt? siêng năng hay cầm chừng ở mức tối thiểu?
Chia sẻ cảm nghiệm của bạn về mối quan hệ thân tình giữa bạn với Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi dọn mình sốt sắng để có thể rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ; và sau đó dành một thời gian thích đáng để cám ơn sau khi rước lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là chủ chiên nhân lành của con, xin nhận lấy con như con chiên trong đoàn chiên của Chúa. Xin cho con biết lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa gọi con mỗi ngày.
30/04/12 thứ hai tuần 4 ps
Th. Piô X, giáo hoàng Ga 10,1-10
cửa sự sống cho đàn chiên
Vậy, Đức Giêsu lại nói: “Tôi là cửa cho chiên ra vào… Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.” (Ga 10,7
annaloan218- Tu sinh
- Tổng số bài gửi : 133
Points : 5197
Join date : 27/03/2011
Đến từ : xóm bến - Lộc Thủy
Similar topics
» 5 phút mỗi ngày cho Lời Chúa Tháng 03
» 5 PHÚT LỜI CHÚA MỖI NGÀY THÁNG 10/2011
» ̀5 PHÚT SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY -THÁNG 3/2011
» 5 PHUT LOI CHUA MOI NGAY 11/11-20/11/2011
» 5 Phút Lời Chúa ngày 01/01-15/01/2012
» 5 PHÚT LỜI CHÚA MỖI NGÀY THÁNG 10/2011
» ̀5 PHÚT SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY -THÁNG 3/2011
» 5 PHUT LOI CHUA MOI NGAY 11/11-20/11/2011
» 5 Phút Lời Chúa ngày 01/01-15/01/2012
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết
28/2/2014, 9:24 am by toilatoi
» CUỘC THI “ÂM VANG QUÊ HƯƠNG TRONG LÒNG TÔI”
28/2/2014, 9:16 am by toilatoi
» Anh chị em sinh viên Miền Nam vô đây báo cáo Nha...!!!
8/10/2013, 4:57 pm by josephnguyenngoc
» Khai giảng khóa học chuyên sâu kỹ năng IELTS tại REA
22/6/2013, 3:34 pm by peaceful
» Kết Quả Cuộc Thi Viết "CHẠM VÀO KHOẢNH KHẮC CUỘC SỐNG"
11/6/2013, 8:58 am by quocthuan_lt_92
» CVKHCS_11_TÔI ĐÃ BIẾT...NÓI DỐI.
21/5/2013, 12:26 am by vatoicungyeuem_ht
» Cuộc Thi Viết: Chạm Vào Khoảnh Khắc Cuộc Sống
21/5/2013, 12:08 am by vatoicungyeuem_ht
» CVKHCS_10_THÁNG 5, THÁNG KỶ NIỆM TRONG TÔI.
19/5/2013, 11:14 pm by tim love
» CVKHCS_09_BỨC TRANH CUỘC ĐỜI CỦA SINH VIÊN
17/5/2013, 10:11 pm by vatoicungyeuem_ht
» CVKHCS_06_HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI ƠN GỌI
17/5/2013, 7:52 am by admin
» CVKHCS_08_SỐNG CHẬM LẠI ĐỂ CẢM NHẬN CUỘC SỐNG MUÔN MÀU
7/5/2013, 9:55 pm by Paul_GiaGia
» CVKHCS_04_VIẾT CHO CUỘC SỐNG 3 NĂM Ở HÀ NỘI
7/5/2013, 9:30 pm by Paul_GiaGia
» CVKHCS_05_TẠI NẠN NGANG QUA ĐỜI TÔI
7/5/2013, 7:04 pm by thuy
» CVKHCS_03_500k Đáng Giá Hơn Một Tình Bạn
7/5/2013, 7:00 pm by thuy
» CVKHCS_01_KHI TÔI BƯỚC SANG 21
7/5/2013, 6:58 pm by thuy